Tin Tức

Trang chủ

Giảm đất lúa thế nào cho hiệu quả ở vựa lúa ĐBSCL?

05-05-2017 Lượt xem: 69

Một trong những giải pháp quan trọng phát triển ngành hàng lúa gạo ĐBSCL bền vững đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT xác định là chỉ duy trì và sử dụng linh hoạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu ha đất lúa vào năm 2020, so với khoảng 1,85 triệu ha hiện nay. Tức là trong 3 năm nữa, ĐBSCL cần thiết phải giảm khoảng 300.000ha đất lúa sang mục đích khác.

Giảm đất lúa ở đâu, làm như thế nào, phải là kết quả tính toán khoa học và từ thực tiễn sinh động. Yêu cầu cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động liên ngành và một quyết tâm mạnh mẽ, chứ không phải là một phép trừ đơn thuần.   Thách thức chuyển đổi, giảm đầu vào, tăng giá trị Có người ví sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay như cây đòn gánh. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao. Đầu kia là tiêu thụ lúa bấp bênh, giá thấp. Người nông dân vừa gánh, vừa bị lắc lư trong thế dễ ngã. Thách thức của ngành hàng lúa gạo hiện nay không chỉ từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông, làm thay đổi điều kiện canh tác, cần tổ chức sản xuất lại để thích ứng, mà còn do kết nối cung - cầu yếu kém; người trồng lúa ngày càng nghèo đi trước tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên và mặt trái của kinh tế thị trường, tạo ra bất công trong phân công lao động xã hội. Thách thức đó không còn là tình trạng đói ăn - “suy dinh dưỡng” của thời trước mà là “bệnh béo phì” do dư thừa, cũng nguy hiểm không kém. Sản xuất lúa gạo nhiều hơn không còn là mục tiêu hàng đầu, mà việc tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao hơn để nông dân làm giàu, cần được xem là ưu tiên. Vì vậy, chuyển một phần đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn là một chủ trương hoàn toàn đúng. Đó cũng là hướng đi, cách lựa chọn trong việc nhận thức lại vai trò của “Vựa lúa quốc gia - ĐBSCL” và yêu cầu phát triển bền vững các ngành kinh tế nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh khác của vùng này như thủy sản, rau quả và chăn nuôi. Công cuộc chuyển đổi phải trên cơ sở các luận cứ khoa học thuyết phục, thực tiễn sinh động, mà điểm xuất phát phải từ việc khắc phục yếu kém nội tại và tận dụng lợi thế của vùng này trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt.   Tăng kiến tạo Việc chuyển 300.000 ha đất trồng lúa sang mục đích khác thực tế đã và đang diễn ra ở “Vựa lúa quốc gia”, nhưng nó cần một động lực mạnh mẽ hơn nữa. Không phải đến bây giờ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng ĐBSCL mới được đặt ra, nhưng cần phải thấy rõ tính bức xúc của nó trong tình hình hiện nay.

 
Không phải cứ “chuyển trồng lúa” sang cây trồng, vật nuôi khác nhằm đạt mục tiêu giảm lượng, tăng cầu, chỉ nhìn hạn hẹp trong phạm vi một vùng hay thị trường nội địa là đạt kết quả. Ai đảm bảo chắc chắn, con cá tra, con tôm đang được tiêu thụ khá, giá cao hiện nay sẽ được tiếp tục duy trì một cách bền vững trong các vụ sau khi mà chúng ta chưa thể xây dựng được các chuỗi giá trị bền vững? Chưa kể đầu tư cho “chuyển dịch” này, yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ cho ngành thủy sản, chăn nuôi đòi hỏi khác cho cây lúa. Nông dân cần vốn nhiều hơn, kỹ thuật canh tác tốt hơn, nắm bắt thông tin thị trường sát hơn. ĐBSCL cũng đã từng chuyển đổi trồng đậu nành, bông vải, mè, nuôi bò sữa…, nhưng không thành công vì thiếu giải pháp đồng bộ. Thực tế hiện nay đang rất cần một cuộc "chuyển đổi lớn" trong nông nghiệp, mang tính cải cách mạnh mẽ. Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn đang cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua, thì rõ ràng không ăn thua. Việc chuyển đổi là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát qui hoạch, phân công, phân vai trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất, đặc biệt là đảm bảo thị trường tiêu thụ và phải liên kết vùng. Đã đến lúc cần phá bỏ rào cản hạn điền trong nông nghiệp, tạo bước đột phá tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quá trình tích tụ đất đai cũng là quá trình tạo ra nhiều cơ hội việc làm nhiều hơn cho nông dân, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập. Chuyển đổi đất lúa chỉ là một giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, đòi hỏi phải đổi mới thể chế và phương thức tổ chức sản xuất. Nói cách khác, phải chuyển đổi sang một nền kinh tế “giá trị” thay cho “sản lượng”; đòi hỏi phải thay đổi tư duy, phải chuyển từ quyết tâm chính trị sang bài toán kinh tế cho nông nghiệp. “Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất”. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL mới đây như phát pháo lệnh cho “Cuộc cách mạng lúa gạo”. Vai trò của các cơ quan nhà nước với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân nhiều hơn bằng chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có.

“Tùy theo từng vùng, từng vụ, chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thức ăn chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và vùng ven biển. Trong đó vùng trọng điểm chuyên canh sản xuất ở ĐBSCL nằm ở 30 huyện, thuộc 8 tỉnh, chiếm khoảng 50% sản lượng cả vùng, có lợi thế cần tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ.”
  
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin tức liên quan

Không có thông tin dữ liệu