Tin Tức

Trang chủ

Thổ nhưỡng Nông hóa: Nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng?

03-12-2018 Lượt xem: 55

Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức buổi gặp gỡ, tọa đàm, tham vấn các nhà khoa học về định hướng nghiên cứu lĩnh vực đất, phân bón trong thời gian tới với sự tham gia của rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư đầu ngành.
 
Theo GS.TS Nguyễn Vy, thời gian gần đây dư luận nói rất nhiều về việc các nghiên cứu cơ bản xong đề tài chỉ đem cất tủ là chưa đầy đủ. Vấn đề quan trọng mấu chốt theo GS Nguyễn Vỹ, vẫn là ở cơ chế, chính sách. Đó là nguyên nhân chính khiến các đề tài nghiên cứu cơ bản không tiếp tục được phát triển thành các nghiên cứu ứng dụng để đưa vào thực tiễn.

 
Đồng tình quan điểm này, KS Đỗ Đình Thuận cho rằng, nếu các nghiên cứu viên chỉ làm các đề tài nghiên cứu ứng dụng hay làm thuê theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ mãi không tiến lên được. Quan điểm của KS Thuận, bản thân ngành thổ nhưỡng, nông hóa đã là ngành nghiên cứu cơ bản rồi, không phải nghiên cứu ứng dụng.
 
“Đúng là hiện nay đề xuất một đề tài nghiên cứu cơ bản, các nhà quản lý sẽ cho rằng đó làm một thứ gì đó rất xa xỉ, nhưng không có các nghiên cứu cơ bản như nghiên cứu đất, nước, pH… không thể đạt đỉnh cao cho năng suất, chất lượng cây trồng được. Đơn cử như tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL rất cần những nghiên cứu cơ bản để biết sự thay đổi của đất, nước, pH... như thế nào, từ đó mới đưa ra được các công thức phân bón, cây trồng phù hợp nhất”, KS Đỗ Đình Thuận nói.
 
Không đồng tình hoàn toàn quan điểm này, TS Nguyễn Tử Siêm cho rằng, khoa học cơ bản đích đến cuối cùng vẫn phải là khoa học ứng dụng. Phải lấy khoa học ứng dụng nuôi khoa học cơ bản. Giờ nhà khoa học vẫn giữ tư duy chăm chăm đi xin hay đòi hỏi các đề tài nghiên cứu cơ bản rất khó thuyết phục. Vì vậy, bắt buộc phải nghiên cứu theo hướng những gì doanh nghiệp họ cần cũng như họ đặt hàng để từ đó có kinh phí, nguồn lực duy trì nghiên cứu cơ bản.

 

Hội nghị các nhà khoa học về thổ nhưỡng nông hóa tại Viện Thổ nhưỡng nông hóa
 
Còn TS Bùi Huy Hiền bổ sung thêm, trong tương lai Viện Thổ nhưỡng nông hóa cần phải đầu tư, xây dựng để trở thành đơn vị đầu ngành, uy tín hàng đầu trong việc phân tích, khảo kiểm nghiệm các sản phẩm phân bón, dinh dưỡng, cây trồng và thổ nhưỡng nông hóa. Nói chung, các nhà khoa học giờ cũng cần có cách tiếp cận đề tài, chương trình chủ động hơn, thậm chí mạnh dạn tham gia đầu thầu các dự án chứ không còn cơ chế ngồi chờ nhà nước được nữa.
 
Bổ sung thêm cho sự hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, chuyên gia Bùi Đình Dinh chia sẻ, nếu trước đây chúng ta nghe nói tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn… là một thứ gì đó rất cực đoan. Tuy nhiên, giờ thực tế lại cho thấy xã hội đang phát triển và có nhu cầu rất lớn về lĩnh vực này. Không bàn tới chuyện đúng sai ở đây, nhưng theo chuyên gia Bùi Đình Dinh, rõ ràng các nhà khoa học về đất, phân bón, dinh dưỡng cây trồng cần tập trung nghiên cứu theo hướng này để phục vụ các nhóm đối tượng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí trên.
 
+ Nhìn chung, hầu hết các nhà khoa học về thổ nhưỡng, nông hóa đều khẳng định, nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng đều rất quan trọng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cơ bản cũng cần đặt ra định hướng cho những nghiên cứu ứng dụng sau này. Tức là không nên nghiên cứu riêng rẽ mà cần có quá trình tiếp nối, chuyển tiếp. Lấy nghiên cứu ứng dụng để duy trì các hoạt động nghiên cứu cơ bản là hướng đi phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.
 
+ GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam định hướng, Viện Thổ nhưỡng nông hóa có cách tiếp cận, cơ chế tiếp cận đề tài mới mẻ hơn. Bên cạnh đất, phân bón, viện cần tập trung nghiên cứu cả lĩnh vực xử lý chất thải trong nông nghiệp nữa, vì mảng này rất lớn. Do đó, viện nên sớm thành lập nhóm chuyên gia tư vấn, bởi nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định cho sự phát triển sau này.

Nguyên Huân, Báo Nông nghiệp

Tin tức liên quan

Không có thông tin dữ liệu