Tin Tức

Trang chủ

Hội thảo “CSKH và thực tiễn phục vụ đăng ký CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế”

30-12-2022 Lượt xem: 214

Sáng ngày 28/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký Chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Mục tiêu Hội thảo nhằm xác định được đặc thù về tính chất, chất lượng của quả bưởi Thanh trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xác định các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người, lãnh thổ có ảnh hưởng đến chất lượng quả Thanh trà; xác định được vùng đăng ký bảo hộ CDĐL “Huế” và bản đồ khu vực bảo hộ CDĐL Thanh trà Huế tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Cây bưởi Thanh trà (Citrus grandis (L.) Osbeck) là loài cây ăn quả đặc sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân thường gọi là trái “Thanh trà”. Bưởi Thanh trà khác với các loại bưởi khác từ hình dáng đến hương vị, da bưởi có màu vàng nắng, kích cỡ trái nhỏ hơn các loại bưởi khác; mùi hương thanh thanh, dịu nhẹ; múi tép căng mọng, có màu trắng ngà. Sự khác biệt của bưởi Thanh trà Huế so với các loại bưởi vùng khác được tạo nên bởi yếu tố tự nhiên đặc thù, trong đó yếu tố khí hậu, thủy văn tại tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện thuận lợi, thích hợp cho cây bưởi Thanh trà phát triển.

Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN và ông Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đồng chủ trì Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN mong muốn các khách mời, đại biểu cùng thảo luận, trao đổi đưa ra các cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn; đánh giá, phân tích các khu vực địa lý bảo hộ CDĐL cho bưởi Thanh trà Huế cũng như các cách thức xây dựng thương hiệu bưởi Thanh trà Huế. Điều này, sẽ là căn cứ quan trọng phục vụ việc đăng ký CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà Huế. Góp phần phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản địa phương.

Ông Lương Đức Toàn – Chủ nhiệm Dự án Báo cáo tham luận tại Hội Thảo

 

Báo cáo tham luận tại Hội thảo, ông Lương Đức Toàn - Chủ nhiệm Dự án đã trình bày các nội dung về cơ sở khoa học và thực tiễn đăng ký CDĐL “Thanh trà Huế”: về thông tin CDĐL đăng ký bảo hộ, đặc thù, hình thái chất lượng, kỹ thuật trồng chăm sóc bưởi Thanh trà Huế và dự thảo Hồ sơ đăng ký CDĐL Thanh trà Huế.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, diện tích Thanh trà toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng gần 1.000 ha, chủ yếu trên đất phù sa sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Trong đó, diện tích trồng Thanh trà tại thành phố Huế là 165 ha, riêng phường Thủy Biều có 146 ha, với khoảng gần 1.000 hộ dân trồng Thanh trà tập trung ở các Thôn Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Trong đó có 140/147 ha đang cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch ước tính đạt 800 – 900 tấn/năm. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có diện tích trồng Thanh trà lớn như: Thị xã Hương Trà 246 ha; huyện Phong Điền 294 ha, huyện Quảng Điền 50 ha, huyện Phú Lộc 130 ha, thị xã Hương Thủy 90 ha,…

Ông Lương Đức Toàn cho biết, sau quá trình nghiên cứu, Đơn vị chủ trì đã xác định được đặc thù hình thái quả bưởi Thanh trà Huế và chất lượng với những đặc điểm sau: Bưởi Thanh trà Huế mang những nét đặc thù riêng so với các loại bưởi khác nhờ có sự hội tụ đủ các điều kiện về đặc điểm hình thái của giống bưởi Thanh trà: Cây dạng hình nấm, tán phát đồng đều, cánh lá Thanh trà thường có dạng Oval, mép lá gợn sống, đuôi lá chẻ hơi lõm xuống phía ngọn. Hoa màu trắng, có mùi thơm nhẹ hấp dẫn, là loại hoa lưỡng tính. Qủa bưởi Thanh trà có dạng quả lê thấp, trọng lượng quả nhỏ dao động từ 700-950g, số hạt/quả từ 61,29 – 112,35 hạt, tỷ lệ ép nước khá cao (83-85%).

Ngoài ra, bưởi Thanh trà Huế mang những đặc trưng về chất lượng như: Độ Brix 9,43 – 11,23%, đường tổng số dao động từ 7,80 – 9,34; axit tổng số từ 0,58 – 0,71%; Vitamin C từ 59,29 – 66,20 mg/100g; Protein 0,63 – 0,72%. Về chất lượng của bưởi Thanh trà là kết quả của sự kết hợp hài hòa các yếu tố trên để tạo cho bưởi Thanh trà có một đặc thù riêng với vị ngọt thanh dễ chịu, pha chút chua nhẹ, không the, không đắng với mùi hương thơm nhẹ, tự nhiên đặc trưng mà các loại bưởi khác không có được.

Các đại biểu, khách mời chia sẻ tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các đại biểu khách mời đã trao đổi với đơn vị chủ trì cần làm rõ các nguyên nhân dẫn đến chất lượng quả Thanh trà không đồng đều; tìm kiếm thêm các tư liệu liên quan đến nguồn gốc, danh tiếng của quả thanh trà, thống nhất cách đặt tên là bưởi Thanh trà Huế cũng như chia sẻ các kinh nghiệm về trồng chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh gây hại cây Thanh trà Huế.

Ông Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phát biểu kết luận tại Hội thảo

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đề nghị nhóm Dự án tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, khách mời, đó là các căn cứ quan trọng, giúp địa phương có cơ sở khoa học đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cho phép bảo hộ CDĐL “Huế” đối với sản phẩm quả thanh trà Huế. Đây sẽ là niềm tự hào cho người dân, các Hợp tác xã trong tỉnh về những sản phẩm đặc sản được bảo hộ, tăng thêm cơ hội quảng bá, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.

Với xu thế hội nhập hiện nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và quy trình sản xuất ngày càng cao. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ CDĐL cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Từng bước xây dựng, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, bước đầu nâng cao thu nhập cho người dân cũng như là điều kiện cần để nâng tầm thương hiệu cho các đặc sản địa phương, giúp các đặc sản có thể “bay xa” trên thị trường.

Kiều Oanh

https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=32&cn=851&tc=34599