Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và bền vững. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt hiện nay chiếm 73,5% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được trong những năm qua, sản xuất trồng trọt vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Do đó, lĩnh vực trồng trọt cần phải thực hiện tái cơ cấu để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển hẳn sang sản xuất hàng hóa, hội nhập, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ – TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch hành động chỉ đạo toàn ngành từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.
Sau hơn một năm thực hiện, ngành đã đạt được một số kết quả quan trong. Bộ đã ban hành các cơ chế chính sách, chương trình đề án phục vụ cho tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, chè đã được thực hiện tái cơ cấu và thu được nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt năm 2014 tăng 3,2%. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện như lúa gạo, chè, vải, nhãn, bưởi, thanh long,…Nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được xây dựng. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng: Vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang…Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.
Về công tác bảo vệ thực vật, ngành đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án trong thời gian tới. Ngành đã tăng cường đàm phán các biện pháp kiểm dịch thực vật (KDTV) nhằm xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu các loại rau, hoa, quả có tiềm năng, trong đó tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Đài Loan, Ấn Độ.
Việc mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển đem lại giá trị cao cho nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo động lực để người sản xuất áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, an toàn.
BBT