THÀNH TỰU HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LĨNH VỰC ĐẤT, PHÂN BÓN VÀ VI SINH VẬT NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ 21
Viện Thổ nhưỡng Nông hoá được chủ trương thành lập theo Nghị định số 24/CP ngày 9 tháng 2 năm 1968 của Thủ tướng Chính phủ. Trên căn cứ Nghị định, ngày 6 tháng 3 năm 1969 Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) ban hành Quyết định số 13 NN/QĐ về việc tách Ban Đất - Phân thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp để thành lập Viện Thổ nhưỡng Nông hoá. Sau 36 năm trưởng thành và phát triển ngày 09 tháng 09 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, ngày 09 tháng 05 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 35/2006/QĐ-BNN của quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Thổ nhưỡng Nông hoá.
Viện là tổ chức khoa học công nghệ công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về đất, phân bón, vi sinh vật và môi trường nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Cơ cấu tổ chức của Viện bao gồm Lãnh đạo Viện, Hội đồng Khoa học và Công nghệ, 3 phòng nghiệp vụ; 4 bộ môn nghiên cứu và 1 phòng phân tích trung tâm; 4 Trung tâm trực thuộc có trụ sở tại Hà Nội, Bắc Giang, Đăk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến 12/2013, Viện có 233 cán bộ viên chức (155 cán bộ thuộc biên chế Nhà nước) với 01 PGS, 15 tiến sĩ, 63 thạc sĩ, 68 kỹ sư/cử nhân, 3 trung cấp, còn lại là công nhân và cán bộ hợp đồng. Về cơ sở vật chất, Viện có hệ thống các phòng thí nghiệm vi sinh vật, phòng GIS và viễn thám, phòng phân tích và kiểm định chất lượng phân bón với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp thu và làm chủ được tri thức, công nghệ mới…
Phát huy truyền thống của Viện ở các giai đoạn trước, trong hơn 10 năm đầu Thế kỷ 21, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tiếp tục đạt được các thành tựu nổi bật, xứng đáng là Viện đầu ngành trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực đất - phân bón - vi sinh vật.
1. Nghiên cứu cơ bản, bảo vệ và cải tạo về đất
Một trong những thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ trong nghiên cứu cơ bản mà lĩnh vực đất đã đạt được trong hơn 10 năm qua là ứng dụng thành công phân loại đất theo phương pháp định lượng FAO-UNESCO-WRB. Viện đã triển khai phúc tra, chỉnh lý bản đồ đất tỉ lệ 1/50.000 - 1/100.000 ở quy mô cấp huyện và tỉnh cho một số tỉnh, thành trong cả nước: Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phú Yên; các huyện, tỉnh của CHDCND Lào như: huyện Taoy, Tumlan, Vapi, Lakhonpheng (tỉnh Saravane), huyện Sanxay (tỉnh Attupeu), huyện Namtha và Sing (tỉnh Luang Namtha), huyện Nambak (tỉnh Luang Prabang), và tỉnh Sayaboury. Phương pháp trên cũng được áp dụng thành công để xây dựng bản đồ đất tỉ lệ lớn (1/25.000) cho một số địa phương, góp phần nâng cao chất lượng các dự án quy hoạch sử dụng đất, đồng thời tạo tiền đề cho việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống phân loại đất mới của Việt Nam Trong quá trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân loại đất của FAO-UNESCO-WRB, Viện đã bổ sung thêm những đơn vị đất đặc thù ở Việt Nam mà hệ phân loại trên chưa đề cập, như: Cambic Fluvisols, Ferralic Acrisols,…
Song song với việc ứng dụng hệ phân loại đất theo FAO-UNESCO-WRB, việc đánh giá đất đai theo phương pháp định lượng của FAO cũng đã được áp dụng ở nhiều tỉnh trong hơn 10 năm qua. Đã xây dựng các bộ bản đồ đất, đơn vị đất đai, mức độ thích hợp đất đai, định hướng sử dụng đất (tỷ lệ từ 1/5.000-1/50.000) cho các địa phương như: tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai, tỉnh Sayaboury (CHDCND Lào)..., và một số vùng trồng cao su ở Việt Nam, Lào và Cămpuchia. Ngoài ra, việc quy hoạch sử dụng đất cũng được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau với nhiều phương pháp tiếp cận trong đó có Qui hoạch Sử dụng đất theo phương pháp Phân tích Hệ thống (LUPAS). Đây là phương pháp mang tính "mở", bài toán "động" cho phép xây dựng được nhiều phương án để địa phương chọn lựa cho phù hợp về địa hình, đất đai cũng như điều kiện kinh tế-xã hội, đã được áp dụng ở Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội v.v… và đã được một số cơ quan khác (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm KHCN phía Nam, Bộ KHCN) áp dụng ở một số tỉnh phía Nam, v.v…những kết quả quy hoạch đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên đất đai tại các địa phương.
Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu về vi hình thái đất và thành phần khoáng sét trong một số loại đất chính đã được quan tâm. Những kết quả nghiên cứu đã nêu được đặc điểm về vi hình thái và thành phần khoáng sét các tầng phát sinh của các loại đất chính phục vụ cho công tác phân loại đất, đánh giá đất đai, sử dụng đất và phân bón có hiệu quả. Đến nay đã hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về vi hình thái của 6/13 nhóm đất chính, bao gồm: đất xám, đất đỏ, đất phù sa, đất mặn, đất phèn và đất cát biển; và dữ liệu về khoáng sét của 12/13 nhóm đất chính (trừ nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá).
Trong giai đoạn 2006- 2010, Viện đã tiến hành thực hiện nghiên cứu thực trạng đất phèn và đất mặn ở ĐBSCL và ĐBSH sau 30 năm khai thác sử dụng. Kết quả cho thấy sau hơn 30 năm sử dụng, đất mặn và đất phèn đã có sự biến động lớn cả về số lượng và chất lượng. Ở vùng ĐBSH diện tích đất mặn giảm gần 10.000 ha, tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình; nhưng lại tăng ở Nam Định. Diện tích đất phèn tăng và tổng diện tích đạt gần 7.400 ha, tập trung ở các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh; riêng Nam Định đến nay không thấy còn đất phèn. Ở vùng ĐBSCL diện tích đất mặn tăng gần 177.000 ha; trong khi đó diện tích đất phèn lại giảm gần 262.000 ha. Đáng chú ý là diện tích đất mặn trung bình và ít tăng gần 200.000 ha và đất phèn hoạt động tăng gần 333.000 ha còn diện tích đất phèn tiềm tàng giảm gần 595.000 ha. Một số tính chất cơ bản của đất mặn và đất phèn cũng có thay đổi: Tổng số muối tan tăng lên ở hầu hết các loại đất mặn. Hàm lượng các chất tổng số: các bon hữu cơ, đạm, lân, kali ít có sự thay đổi hoặc tăng nhẹ ở hầu hết các loại đất mặn. Ngược lại các chất dinh dưỡng dễ tiêu: lân, kali và các cation kiềm (Ca2+, Mg2+) có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hàm lượng các chất dễ tiêu lại giảm do mức độ thâm canh cao nên tốc độ hút dinh dưỡng của cây trồng lớn hơn mức độ phân giải dinh dưỡng trong đất. Đây là những nghiên cứu mới nhất về đất mặn, đất phèn góp phần vào việc nâng cao chất lượng các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở từng tỉnh và là cơ sở khoa học để tổng hợp phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất phèn và đất mặn của 2 vùng trồng lúa lớn nhất của cả nước. Mặt khác cũng sẽ giúp cho việc quản lý tài nguyên đất của 2 vùng này tốt hơn.
Cùng với việc nghiên cứu về đất mặn và đất phèn, Viện đã tập trung nghiên cứu các yếu tố hạn chế trong đất trồng lúa tại vùng Đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa tại 2 vùng trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy đất trồng lúa vùng ĐBSCL bắt đầu có sự thiếu hụt lân (tổng số và đặc biệt là lân dễ tiêu) so với ĐBSH. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này chưa thể hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa để trở thành một yếu tố hạn chế với cây lúa. Ngược lại, hàm lượng lân dễ tiêu cao phát hiện thấy trong một số loại đất trồng lúa, đặc biệt là đất xám bạc màu ở cả hai miền.
Đất xám bạc màu (XBM) cũng là một trong những loại đất “có vấn đề” được chú trọng nghiên cứu trong những năm trở lại đây. Trong giai đoạn từ năm 2009-2012, Viện đã tiến hành xác định thực trạng về số lượng và chất lượng của đất xám bạc màu miền Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích đất XBM hiện tại là 232.620 ha, giảm khoảng 28.096 ha so với năm 1979. Chất lượng đất XBM đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong tầng canh tác hiện nay hầu hết ở mức trung bình, đặc biệt hàm lượng lân tổng số và dễ tiêu đang ở mức giàu đến rất giàu. Từ kết quả trên đã xây dựng được các giải pháp khoa học công nghệ để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất XBM tại miền Bắc.
Tiếp nối giai đoạn trước năm 2000, việc nghiên cứu và sử dụng hiệu quả tài nguyên dất dốc cũng được tiến hành ở các quy mô khác nhau, từ cấp vùng đến tỉnh, huyện và cấp lưu vực. Trên quy mô vùng, Viện đã tập trung nghiên cứu những yếu tố hạn chế chính trong canh tác nông nghiệp vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về số lượng, chất lượng đất sản xuất nông nghiệp cho 06 tỉnh trong vùng Tây Bắc bao gồm Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; đề xuất được các giải pháp sử dụng hợp lý cho các cây trồng chính trong vùng; đã xây dựng thành công 10 mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật về đất, phân bón nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam. Áp dụng các mô hình làm tăng hiệu quả sử dụng đất từ 20-30% về mặt kinh tế, hạn chế được xói mòn đất và mất cân đối trong bón phân, thâm canh cho cây trồng. Trên quy mô lưu vực, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: Sự thay đổi sử dụng đất trong lưu vực đã tác động mạnh đến dòng chảy mặt và xói mòn đất hơn là sự thay đổi lượng mưa, đặc biệt là sự thay đổi từ trồng sắn thuần sang trồng cỏ và rừng; Trồng cỏ Bracaria và và canh tác theo hướng nông lâm kết hợp (sắn xen keo) đã làm giảm dòng chảy mặt đồng thời giảm lượng đất xói mòn rất đáng kể (chỉ 2 tấn/ha/năm) so với lượng đất xói mòn khi trồng sắn thuần (hơn 9 tấn/ha/năm).
Đã xây dựng cơ sở khoa học về đất đai và yếu tố con người phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hơn 20 sản phẩm nông sản ở các địa bàn khác nhau: Cam Vinh, Bưởi Đoan Hùng, Bưởi Tân Triều, Vải Thiều Lục Ngạn, Xoài Yên Châu, Nho Ninh Thuận, Dẻ Trùng Khánh, Thuốc lào Tiên Lãng, Cói Nga Sơn, Sâm Ngọc Linh, Tiêu Quảng Trị, Quế Văn Yên và Quế Trà My, Dê núi Ninh Bình, Bưởi Tân Triều, Chôm chôm Long Khánh... Hầu hết các cây trồng này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Đã xây dựng được Trung tâm Thông tin tư liệu đất Việt Nam với 64 phẫu diện đất (monolith) đặc trưng cho các loại đất chính của nước ta theo công nghệ tiên tiến, tiếp thu từ Trung tâm Thông tin tư liệu đất Quốc tế (ISRIC). Kèm theo các tiêu bản trưng bày có đầy đủ hệ thống thông tin về tên đất theo Việt Nam, FAO-UNESCO, Soil-Taxonomy và các tính chất hoá lý học của đất. Toàn bộ thông tin đã được chuyển tải lên mạng internet tại địa chỉ http://www.baotangdat.com phục vụ cho nghiên cứu và học tập với hàng nghìn lượt truy cập mỗi năm. Xây dựng hệ thống tiêu bản đất nguyên khối cho Bảo tàng Thiên nhiên Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Nghiên cứu về lĩnh vực phân bón và dinh dưỡng cây trồng
Một trong những hướng nghiên cứu được chú trọng trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay là sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn dinh dưỡng hữu cơ tại chỗ, vừa tăng năng suất cây trồng, cải tạo tính chất đất, giảm lượng phân khoáng bón vào đất và thân thiện với môi trường. Kết quả nghiên cứu dài hạn (13 năm) liên tục vùi phế phụ phẩm, năng suất lúa, ngô và đậu tương trên đất bạc màu Bắc Giang tăng từ 10-14%, đồng thời vùi phế phụ phẩm đã làm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng khoáng và bổ sung kali cho loại đất này. Dùng phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân lá ngô, lá mía, vỏ trấu cà phê) vùi kết hợp phun chế phẩm vi sinh vật đã giảm được lượng N đến 20% và K đến 30% mà vẫn tăng năng suất cây trồng (lúa, ngô, mía, cà phê) từ 10-21%, đồng thời cải thiện được chất lượng đất.
Nghiên cứu chế tạo phân bón chức năng, chuyên dùng cho cây trồng (sử dụng các nguồn hữu cơ giàu chất dinh dưỡng như vỏ cà phê, than bùn, phế thải từ chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, rong biển,...) đã chế tạo thành công 6 bộ phân sinh học dạng rắn bón gốc và 9 bộ phân bón chức năng dạng lỏng phun lá phù hợp với từng nhóm cây trồng: i) Bón phân sinh học làm tăng năng suất chè, cà phê và tiêu từ 12-20%; tăng năng suất cà chua, bắp cải và đậu tương từ 15-20%. ii) Phun phân chức năng đã làm tăng năng suất cà chua 17-18%, cà phê chè 19-28%, cà phê vối 14-20%, điều 47-55%; năng suất chè tăng 11-30%, tăng hàm lượng axit amin và giảm hàm lượng tanin làm chè có hậu vị tốt; iii) Phân chức năng làm tăng khả năng đậu quả và tăng số quả hữu hiệu (30%), trọng lượng quả (21-31%) và tăng hàm lượng đường trong bưởi Phúc Trạch; iv) Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh đa chức năng đặc chủng cho cây cao su vùng Tây Bắc, ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất mủ cao su.
Các dự án sản xuất thử nghiệm đã góp phần hoàn chỉnh quy trình sản xuất và cho ra đời một số loại phân bón và chế phẩm nông hóa, được thị trường chấp nhận. Trong hơn 10 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng cây trồng đã sản xuất được phân bón lá A2, A4, Amin, RQ, CQ dùng cho rau, hoa và cây cảnh; giá thể dinh dưỡng GT05 ươm giống cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo, thông) và cây ăn quả (xoài, nhãn, bưởi) theo hướng công nghiệp và đã chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón với quy mô hàng ngàn tấn/năm. Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu và phát triển một số loại phân bón đặc chủng từ các công ty nước ngoài, trong đó có phân bón đa lượng thế kỷ KOM, phân bón trung vi lượng NUMIC, các loại phân bón này đã được người dân ứng dụng rộng rải, đặc biệt là vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng phân bón thế hệ mới cho một số cây trồng chính; Đã chế tạo thành công 3 loại: than sinh học từ mụn dừa, vỏ trấu, cà phê bằng phương pháp đốt; Sử dụng các nguồn nguyên liệu trên để tạo sản phẩm phân hữu cơ khoáng chuyên dùng cho lúa, ngô và rau. Số lượng đạt được là 03 sản phẩm; Đã tổng hợp được 10 sản phẩm hydroxit lớp kép có khả năng hấp phụ dinh dưỡng cây trồng dạng anion; Đánh giá tính chất lý hóa và cấu trúc của sản phẩm; Lựa chọn được 2 sản phẩm có khả năng sử dụng làm phân khoáng phân giải chậm. Phân lân nhả chậm sản xuất thử từ hydroxit lớp kép có hàm lượng P = 21% hay hàm lượng P2O5 = 48%; có khả năng sử dụng như một nguồn dinh dưỡng lân cho cây trồng.
Nghiên cứu tính chất của đất hiếm, than bùn để ứng dụng trong việc cải tạo đất và sản xuất phân bón hữu cơ đã thu được nhiều kết quả tốt; đã xác định được thành phần các hợp chất hữu cơ trong than bùn, vật liệu mùn để sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Từ kết quả đánh giá về trữ lượng và chất lượng than bùn ở trong nước và ở Lào, Viện đã nghiên cứu đề xuất nhiều quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vinh chất lượng cao cho các cây trồng khác nhau. Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu ứng dụng bentonit để cải tạo đất và nâng cao hiệu quả phân bón, kết quả đã mở ra một triển vọng lớn trong việc cải tạo các vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, giữ nước và cung cấp dinh dưỡng kém góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng cho các vùng đất nghèo dinh dưỡng này.
Về quản lý dinh dưỡng cây trồng: đã xây dựng được quy trình nuôi trồng phong lan, địa lan trên hệ thống thủy canh hoàn lưu phù hợp với sản xuất hàng hóa qui mô vừa và lớn. Nuôi trồng 12 tháng đối với phong lan đã làm tăng số nhánh 36%, đường kính nhánh 14%, số hoa/khóm 190% so với đối chứng; các chỉ số này ở địa lan theo thứ tự là 133, 18 và 61%. Quy trình quản lý dinh dưỡng cho cà chua và dưa chuột trong nhà lưới theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo năng suất cà chua bi đạt 110 tấn /ha/vụ và dưa chuột 112 tấn /ha/vụ.
Nghiên cứu quản lý tổng hợp đối với lúa, sử dụng biện pháp tưới khô ngập xen kẽ thay thế cho tưới ngập thường xuyên và bón phân theo bảng so màu lá lúa đã tiết kiệm nước tưới và phân bón mà vẫn cho năng suất lúa tăng trên 10% ở cả 3 vùng ĐB Sông Cửu Long, ĐB Sông Hồng và Duyên hải Nam Trung bộ. Nghiên cứu quản lý dinh dưỡng cho ngô theo vùng đặc thù trên đất đỏ đá vôi (Mai Sơn - Sơn La), đất phù sa sông Hồng (Đan Phượng - Hà Nội), đất bạc màu (Hiệp Hòa - Bắc Giang, Thanh Vân và Tam Dương - Vĩnh Phúc) đã giảm được lượng đạm bón 30-40 kg/ha mà vẫn tăng năng suất ngô (trên 80% diện tích nghiên cứu) so với canh tác của nông dân và tiệm cận với năng suất tiềm năng. Quy trình sử dụng phân bón phù hợp cho mía ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã làm tăng năng suất 20-30% so với bình quân chung của huyện, trữ lượng đường tăng từ 9,5-10,5% lên 11-12%. Quy trình bón phân cân đối và an toàn cho 8 cây trồng và hệ thống cây trồng truyền thống của tỉnh Đồng Nai: lúa-ngô, ngô-đậu, ngô-bông, rau, sầu riêng, bưởi, điều được tỉnh đánh giá cao và khuyến cáo sử dụng. Biện pháp cải thiện chất hữu cơ kết hợp sử dụng phân bón hợp lý đã làm tăng năng suất lạc trên đất cát khô hạn từ 25 đến 150%. Quy trình bón phân và mật độ gieo thích hợp đối với lúa chịu hạn Đắc Lắk; quy trình phát triển cà phê vối bền vững cũng đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Hướng nghiên cứu cơ bản về sử dụng phân bón và dinh dưỡng cây trồng trong giai đoạn này tiếp tục được chú trọng. Một số cây trồng có giá trị hàng hóa cao như: Chè trồng trên đất phiến thạch sét, đậu tương trên đất xám bạc màu, lạc trên đất cát biển đều có biểu hiện thiếu hụt các nguyên tố trung-vi lượng như: Ca, Mg, S, Cu, Mo, Zn, Mn và B. Việc bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung-vi lượng ở tỷ lệ hợp lý đã làm tăng năng suất cây trồng từ 9-27% (tùy loại nguyên tố và loại cây trồng khác nhau), đồng thời làm tăng hiệu quả sử dụng NPK và tăng chất lượng nông sản. Thí nghiệm ảnh hưởng dài hạn của phân bón đến năng suất cây trồng trên đất bạc màu Bắc Giang đã xác định được các yếu tố hạn chế cụ thể cho từng cây trồng ở các mùa vụ khác nhau. Nghiên cứu và xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng vàng lá lúa tại Bắc Ninh có liên quan đến sự thiếu hụt Mg trong đất do đó khả năng oxy hóa của hệ rễ giảm làm hệ rễ và cây bị ngộ độc sắt; từ nguyên nhân này đã đề xuất các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Đã thử nghiệm và áp dụng thành công mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tính toán dự báo lượng phân bón cần thiết hàng năm cho một số cây trồng chính ở Đồng Nai ở quy mô cấp nông hộ, cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Thiết kế phần mềm dưới dạng web, tích hợp các thông số về đất, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, khả năng mất dinh dưỡng do xói mòn/rửa trôi và một số thông số khác, giúp người dân có thể tự tính toán nhu cầu phân bón đa lượng hàng năm cho cây trồng trên mảnh đất của mình. Đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý chủ động trong việc lập kế hoạch nhu cầu phân bón hàng năm cho các loại cây trồng của tỉnh như ở Bắc Ninh, Thanh Hóa.
Trong hơn 10 năm qua, các đơn vị trực thuộc Viện đã tiến hành kiểm định hàng nghìn mẫu phân bón, khảo nghiệm và đưa vào Danh mục các loại phân bón được phép lưu hành ở Việt nam của Bộ Nông nghiệp và PTNT hơn 900 sản phẩm phân bón mới các loại.
Trung tâm Thông tin Tư liệu Phân bón thường xuyên được cập nhật. Hiện nay đã thu thập, lưu giữ và trưng bày trên 1000 sản phẩm phân bón có nguồn gốc nhập khẩu và sản xuất trong nước. Các mẫu thu thập được dán nhãn/mác bằng tiếng Việt và tiếng Anh về xuất xứ mẫu và nơi sản xuất để dễ tra cứu.
3. Nghiên cứu về lĩnh vực vi sinh vật nông nghiệp
Trong giai đoạn này, nhiều nghiên cứu tập trung vào việc phân lập, lựa chọn các chủng vi sinh vật (VSV) đối kháng với vi sinh vật gây bệnh ở cây trồng để tạo ra các chế phẩm vừa có tác dụng phòng trừ bệnh vừa kích thích sinh trưởng của cây. Chế phẩm VSV đối kháng bệnh héo xanh lạc và vừng làm giảm tỷ lệ bị bệnh 60%, tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế so với đối chứng. Chế phẩm VSV dùng cho cây ớt có tác dụng giảm tỷ lệ bệnh héo rũ 40-50%, bệnh thối quả 20-30%; đồng thời giảm được 20% lượng phân bón N, P mà năng suất vẫn tăng 6% và lợi nhuận tăng 11-17 triệu đồng/ha. Chế phẩm phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh vùng rễ cà phê và hồ tiêu có tác dụng tăng đường kính tán, giảm bệnh vàng rụng lá, tăng mật độ vi sinh vật có ích và giảm 17- 67% số lượng tuyến trùng Pratylenchus sp. trong đất. Sử dụng 1 tấn phân hữu cơ VSV chức năng có thể thay thế được 10 tấn phân chuồng và có tác dụng giảm bệnh héo xanh vi khuẩn trên lạc, cà chua, khoai tây 37-78%, giảm tỷ lệ bệnh vùng rễ cây hồ tiêu 25-34%, đồng thời tăng năng suất 10-20% đối với đậu tương, lạc, cà chua, khoai tây, rau, lúa, hồ tiêu, cà phê và bông. Sử dụng chế phẩm cố định đạm trên cây đậu tương và lạc có thể thay thế được 75% lượng N mà vẫn tăng năng suất 20-35% đối với đậu tương và 13-26% đối với lạc. Bón phân vi sinh và 100% lượng phân khoáng NPK đã làm tăng năng suất ngô 13- 22% so với đối chứng không sử dụng phân vi sinh vật; khi bón phân vi sinh vật và giảm 20% lượng phân khoáng NPK cho năng suất tăng 7- 9% so đối chứng. Đến nay, Viện đã nghiên cứu và phát triển vào sản xuất 10 sản phẩm phân bón VSV, 1 chế phẩm VSV phân giải hữu cơ. Tuỳ theo công nghệ, sản phẩm phân bón VSV có thể được sản xuất ở dạng bột hoặc lỏng để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là Lào.
Đối với cây trồng dài ngày, nhiều nghiên cứu tập trung tuyển chọn các chủng vi sinh vật hữu ích để sản xuất phân bón chức năng cho chè, cao su, cà phê. Đối với cây chè tại Yên Bái, bước đầu đã tuyển chọn được các chủng vi khuẩn Azotobacter có khả năng sinh IAA cao và có khả năng hòa tan P2O5 trong môi trường dịch thể. Đây là các chủng vi sinh vật tiềm năng thích hợp với điều kiện đất trồng chè Yên Bái, cũng như sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho cây chè tại Yên Bái. Đối với cây cao su, đã xác định được thành phần môi trường và các thông số kỹ thuật phù hợp cho lên men nhân sinh khối các chủng vi sinh vật chức năng: phân giải xenlulo, cố định nitơ tự do, phân giải lân, kích thích sinh trưởng, sinh polysaccarit, các VSV có hoạt tính đối kháng với VSV gây bệnh... để sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho cây cao su ở các thời kỳ sinh trưởng khác nhau, vùng Tây Bắc Việt Nam. Đối với cây cà phê, phân lập được một số chủng VSV có thể sử dụng trong sản xuất chế phẩm vi sinh vật có khả năng làm tăng mật độ vi sinh vật có ích, giảm mật độ tuyến trùng gây hại trong đất và không ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây cà phê.
Nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi sinh vật nhằm cải tạo đất bạc màu cũng được quan tâm; đã tuyển chọn được ba tổ hợp với chín chủng vi sinh vật bản địa để sản xuất chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất bạc màu. Sử dụng các chế phẩm kết hợp cây phủ trên đất luân kỳ sau trồng bạch đàn tại Bắc Giang, đất trống đồi trọc tại Phú Thọ và đất cát biển (vùng trồng điều) tại Bình Định cho thấy các chỉ tiêu sinh hóa đất có xu thế thay đổi theo chiều hướng làm tăng độ phì của đất, tăng mật độ vi s