Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, kết hợp với kinh nghiệm sản xuất thực tiễn đã giúp nhiều địa phương sử dụng hiệu quả đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và dần hình thành một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Sau khi ba nhiệm vụ khoa học và công nghệ gồm: “Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp làm căn cứ khoa học phục vụ bố trí cây trồng hợp lý cho huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang” thực hiện 2010 - 2011; “Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang” thực hiện 2013 - 2014; “Nghiên cứu, xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động và thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang” thực hiện 2013 - 2015 được triển khai. Đến nay, ba nhiệm vụ đã hoàn thành các hạng mục: Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng chi tiết ở tỷ lệ 1/25.000, bản đồ nông hóa cho các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ở tỷ lệ 1/25.000, bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất nông nghiệp; nghiên cứu xác định cơ cấu hệ thống cây trồng; đánh giá mức độ thích hợp của cây trồng và hệ thống cây trồng.
Hiệp Hòa là huyện đầu tiên xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, kết quả nghiên cứu và phân tích mẫu đất cho thấy: Hiệp Hòa có 4 nhóm đất chính, trong đó đất xám (Acricols) chiếm hơn 50% và nhóm đất phù sa (Fluviosols) chiếm hơn 17% tổng diện tích đất nông nghiệp. Nhìn chung, các loại đất ở đây có thành phần cơ giới biến đổi từ cát, cát pha đến đất thịt pha sét, nghèo chất dinh dưỡng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hải, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp làm căn cứ khoa học phục vụ bố trí cây trồng hợp lý cho huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang” cho biết: “Từ kết quả phân tích các mẫu đất của 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện chúng tôi đã xây dựng bản đồ đơn vị đất đai, đồng thời đưa ra nhận định các loại cây trồng như: Lúa, vải thiều, nhãn, rau xanh các loại có thể phát triển ở tất cả các xã; khoai lang phù hợp trồng ở các xã: Ngọc Sơn, Bắc Lý, Thường Thắng; cây bưởi, cam phù hợp trên đất Lương Phong, Đoan Bái, Thái Sơn... Có thể hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất lúa (hơn 3.000ha), vùng chuyên trồng rau (gần 600ha), cây ăn quả gần 700ha. Bản đồ thể hiện rõ từng loại đất có hàm lượng gì, tỷ lệ bao nhiêu giúp người dân biết cách chăm sóc cây trồng và cải tạo đất, bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp...”.
Nhờ khai thác tốt bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, hiện nay huyện Hiệp Hòa đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa được quy hoạch, mở rộng và cho hiệu quả cao như: Cánh đồng trồng lạc tại xã Ngọc Sơn; trồng dâu tại xã Xuân Cẩm, Mai Đình; rau màu xã Đông Lỗ; bưởi Diễn tại xã Lương Phong; vú sữa xã Hoàng An; trám đen xã Hoàng Vân…
Toàn huyện hình thành được 18 cánh đồng mẫu chuyên canh, trong đó có 13 cánh đồng cấy lúa, cho năng suất bình quân ước đạt 62 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây từ 10 - 12% trên cùng một đơn vị diện tích.
Thời gian tới, các huyện được bàn giao bản đồ cũng tổ chức khai thác, tập quán canh tác, tài nguyên khí hậu nông nghiệp của khu vực, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp để tuyên truyền cho nhân dân chuyển đổi và bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý. Đối với tất cả các loại cây trồng, bản đồ đã chỉ ra mức độ phù hợp, thời vụ, hướng canh tác, trồng ở huyện nào một cách rõ ràng. Ngoài ra, các dữ liệu đều được tích hợp tại phần mềm quản lý tài nguyên đất và phân bón tỉnh Bắc Giang.
Theo anh Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang” cho biết: “Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phù hợp với nguồn dữ liệu của Việt Nam, các Modul được mã hóa bằng tiếng Việt tạo sự thuận lợi trong việc khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất đai trên môi trường Mapinfo, hệ thống này có khả năng thu thập, lưu trữ và cập nhật thông tin nhanh và chính xác”. Không chỉ dừng lại ở bản đồ các vùng sản xuất, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh cho phép tích hợp, xây dựng bản đồ chi tiết đến từng ô, thửa./.
Hoàng Thị Thoa