Tin Tức

Trang chủ

Từ việc bón xi măng cho lúa Nhìn lại việc quản lý dinh dưỡng cho cây trồng

05-05-2017 Lượt xem: 132

Những ngày gần đây rộ lên thông tin về việc một nông dân ở Đồng Tháp dùng xi măng bón cho lúa, kết quả lúa xanh tốt, năng suất tăng, chống chịu tốt với sâu bệnh và giảm đáng kể chi phí.
Bên cạnh một số cái lợi nhỏ nêu trên, bón xi măng sẽ có nhiều tác hại với môi trường đất. Các nhà khoa học và quản lý đã lên tiếng về vấn đề này và lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau.

Xi măng có vai trò gì xét từ góc độ dinh dưỡng cây trồng?

Xi măng là chất kết dính, thu được bằng cách trộn đá vôi đã nghiền nhỏ với đất sét, nung chảy ở nhiệt độ cao, tạo ra clanhke rồi đem nghiền thành bột mịn. Xi măng có khả năng đông cứng sau khi nhào trộn với nước.
Do trong xi măng có chứa một lượng lớn CaO (60-70%) có khả năng làm giảm độ chua của đất, giúp lúa hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Silic có trong xi măng (16-26%) khi được nung ở nhiệt độ xung quanh 1.000 độ C sẽ được hoạt hóa thành dạng cây trồng có thể hấp thụ được và nhờ đó giúp cây cứng cáp hơn và chống chịu tốt với sâu bệnh.
Bên cạnh một số cái lợi nhỏ nêu trên, bón xi măng sẽ có nhiều tác hại với môi trường đất. Các nhà khoa học và quản lý đã lên tiếng về vấn đề này và lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau. Tựu trung lại thì việc bón xi măng cho cây trồng là chưa từng có tiền lệ ở trên thế giới. Xi măng là chất kết dính trong xây dựng, không phải là phân bón và càng không phải chất cải tạo đất.
Bón xi măng với lượng lớn và lâu dài có thể sẽ dẫn đến hệ quả đất bị chai cứng, mất khả năng sản xuất, đặc biệt với các vùng đất nhẹ, nhiều cát.
Ngoài ra trong xi măng lại có cả Fe và Al có nguy cơ gây ngộ độc cho cây trồng. Về lâu dài các ý kiến đều khuyến cáo không nên sử dụng xi măng bón cho cây trồng. Từ sự việc này, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề quản lý dinh dưỡng cây trồng.

Cần nghiên cứu quy trình bón phân hợp lý để cải thiện hiệu suất sử dụng phân bón


Nhìn lại chất lượng đất trồng

Tại hội thảo quốc gia “Đất Việt Nam: Hiện trạng sử dụng và thách thức” diễn ra ngày 27/11/2015 tại Hà Nội, các nhà khoa học đều thừa nhận đất trồng đang đứng trước nguy cơ bị thoái hóa.
Một trong những nguyên nhân là lượng phân hóa học đang được sử dụng quá lớn. Bình quân một hecta gieo trồng sử dụng hơn 686 kg phân bón các loại. Điều này làm cho đất đất ngày càng trở nên chua hóa và chai cứng.
Những thành tựu trong chọn tạo giống đã cho ra đời những giống cây trồng có năng suất cao. Tuy nhiên, kèm theo đó lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất cũng lớn hơn. Mỗi giống mới ra đời lại được khuyến cáo bón lượng NPK cao hơn giống trước đó mà chưa quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng của cây và khả năng cung cấp từ đất.
Cùng với đó, phế phụ phẩm nông nghiệp bị lấy đi hoặc đốt bỏ mà không vùi lại cho đất, lượng phân hữu cơ bón cho đất cũng giảm mạnh trong nhiều năm gần đây. Hệ quả là dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối nghiêm trọng. Đất thiếu hụt hầu hết các nguyên tố trung và vi lượng, đặc biệt là silic - nguyên tố có hàm lượng cao trong thân, lá cây trồng.
Silic đang dần trở thành yếu tố hạn chế đối với cây trồng. Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã tiến hành thí nghiệm với một loại phân bón của Nhật Bản chứa silic hàm lượng cao (34% silic hữu hiệu) trên lúa và vải. Khi bón loại phân này cho lúa ở Nam Định đã giúp cây lúa cứng cáp hơn, chống chịu tốt với sâu bệnh và tăng năng suất. Bón phân chứa silic cho vải Lục Ngạn làm vỏ quả cứng hơn và kéo dài thời gian bảo quản lên 1,5 lần.

Nhìn lại khả năng cung cấp dinh dưỡng cây trồng từ phân bón

Hiện nay trên thị trường đang có hàng nghìn sản phẩm phân bón khác nhau, đa dạng về chủng loại và chất lượng. Trong đó, các loại phân bón hỗn hợp đa yếu tố chiếm ưu thế.
Cùng với việc cải tiến công nghệ sản xuất và đổi mới công tác quản lý, chất lượng phân bón ngày càng đảm bảo, hàm lượng dinh dưỡng NPK trong phân bón đa yếu tố trở nên cân đối hơn, xuất hiện những loại phân bón chuyên dùng cho từng vùng đất, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Việc bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng vào phân bón đang ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng trung, vi lượng chủ yếu được công bố dưới dạng tổng số, trong khi đó cây trồng chỉ sử dụng được dạng hữu hiệu. Điều này dẫn đến nguy cơ việc cung cấp một nguyên tố trung vi lượng nào đó không đủ theo nhu cầu của cây hoặc quá dư thừa làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đất.
Một vài giải pháp trong quản lý dinh dưỡng cây trồng
Nguyên lý để quản lý dinh dưỡng cây trồng là vấn đề cân bằng ion trong đất. Đây là một hệ cân bằng động giữa keo đất (keo sét, keo hữu cơ...) với dung dịch đất. Khi bị tác động (làm đất, bón phân, thay đổi chế độ ẩm...) cân bằng này sẽ dịch chuyển để tạo ra cân bằng mới.
Sự dịch chuyển này có thể có lợi hoặc có hại cho cây trồng và môi trường đất. Để quản lý dinh dưỡng cây trồng đạt hiệu quả tốt trong thời gian tới nhất thiết phải xuất phát từ chất lượng đất trồng, nhu cầu dinh dưỡng của cây và chất lượng phân bón.
-         Giải pháp 1: “Khám sức khỏe” định kỳ chất lượng đất để kịp thời phát hiện yếu tố hạn chế. Khoảng 5 năm một lần tiến hành lấy mẫu và phân tích chất lượng đất. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng công thức phân bón hợp lý và xác định chủng loại phân bón, thời gian bón phù hợp cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây.
-         Giải pháp 2: Xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng ở các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là với giống mới trước khi phổ biến ra sản xuất.
-         Giải pháp 3: Bổ sung cân đối và đầy đủ các nguyên tố trung, vi lượng dạng hữu hiệu vào phân bón. Bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá hàm lượng hữu hiệu các nguyên tố này.
-         Giải pháp 4: Khai thác tối đa và hiệu quả nguồn hữu cơ từ phế thải chăn nuôi, trồng trọt… làm phân bón. Một hệ canh tác chỉ bền vững khi có sự hài hòa giữa hữu cơ và vô cơ.
-         Giải pháp 5: Nghiên cứu quy trình bón phân hợp lý để cải thiện hiệu suất sử dụng phân bón vốn đang rất thấp hiện nay.

Tin tức liên quan

Không có thông tin dữ liệu