Tin Tức

Trang chủ

"Hội nghị Diên Hồng" bàn cách cứu đất

22-05-2019 Lượt xem: 30

Ngày 12/4/2018 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra cuộc “hội nghị Diên Hồng” của giới khoa học đất và môi trường nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Tăng trưởng nóng và các hệ lụy
Cuộc họp quy tụ nhiều đơn vị liên quan đến khoa học đất và môi trường nông nghiệp như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Môi trường Nông nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ…

 
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo hội nghị

Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định gần đây nông nghiệp đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là mảng sản xuất. Năm 2017 thời tiết khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn xuất khẩu đạt 36,5 tỉ USD. Quý I năm 2018 nông nghiệp tăng trưởng tới 4,05%, riêng lĩnh vực trồng trọt tăng trên 5%...
 
Đây là những mặt được của ngành nhưng nhìn lại chính vì phát triển nhanh như thế nên có nhiều hạn chế và bất cập. Thứ nhất là hiệu quả sản xuất chưa cao. Thứ hai là phát triển còn chưa bền vững: “Năng suất cây trồng của ta rất đáng tự hào với bình quân năng suất lúa xấp xỉ 6 tấn/ha trên 8 triệu ha gieo trồng, nhiều tỉnh có mô hình đạt trên 10 tấn/ha, rất cao, chỉ đứng sau Nhật Bản nơi có diện tích lúa rất ít. Cà phê năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, cao gấp trên 3 lần so với thế giới. Hồ tiêu năng suất 2,6 tấn gấp 3 lần thế giới… Nhưng trồng trọt đang phát triển thiếu bền vững ở chỗ chất lượng nông sản có vấn đề (vấn đề này đang được cải thiện dần dần) và thâm canh quá mức, mất cân đối giữa vô cơ và hữu cơ. Bởi thế chưa năm nào như năm 2017 cả Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đều họp bàn về nông nghiệp hữu cơ, phân bón hữu cơ cũng như các chính sách để khuyến khích”.
 
Cũng theo Thứ trưởng, đất đai là tài nguyên quan trọng nhất, đặc biệt nhất không chỉ cho ngày nay mà muôn đời sau. Nếu cứ để đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm như hiện nay sẽ có các hệ lụy trước mắt và lâu dài: “Tây Nguyên là vùng đất tốt nhất của Việt Nam, rất màu mỡ mà hiện nay trồng cây ở đó mắc hàng loạt bệnh đặc biệt là bệnh về rễ do môi trường đất suy thoái, do các vi sinh vật hữu ích mất đi, do các tuyến trùng, nấm phát triển.
 
Báo NNVN vừa qua đã có loạt bài phản ánh thực trạng về ô nhiễm đất ("Hòn đất mà biết nói năng" - PV) trong đó có phỏng vấn Tiến sĩ Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa những vấn đề rất đúng. Chúng ta đang quan tâm quá ít đến khoa học đất. Bởi thế mà Bộ NN-PTNT mới tổ chức cuộc hội nghị ngày hôm nay”.
 
Ngày trước, Khoa Nông hóa thổ nhưỡng của trường rất mạnh với sự tề tựu của các thầy cô đầu ngành. Ngày trước các tỉnh đều có nghiên cứu thổ nhưỡng nông hóa, có hai huyện là Thái Thụy (Thái Bình) và Thanh Liêm (Hà Nam) thậm chí còn tổ chức nghiên cứu tới từng xứ đồng một.
 
Mọi vùng miền đều có dấu chân của những nhà thổ nhưỡng, nông hóa: “Thế mà giờ đây ngành đó không còn ai học nữa thì đau quá! Trong khi đó các Sở Tài nguyên Môi trường chủ yếu làm quy hoạch đất mà không quản lý nổi một tài sản lớn nhất đang dần bị mất đi. Môi trường đất suy thoái mà không có ai cảnh báo. Trước kia hễ nói đến ô nhiễm môi trường là nghĩ ở thành phố nhưng giờ đây ô nhiễm nặng nề nhất lại ở nông thôn”. 
 
Cứ đà này, 5-7 năm nữa sẽ không còn khoa học đất
Cô Cao Việt Hà - Trưởng Khoa Quản lý Đất đai bảo khoa có hai chuyên ngành khoa học đất và quản lý đất đai nhưng lượng sinh viên rất chênh lệch.
 “Theo quy định mỗi xã, phường có 1-2 cán bộ địa chính nên sinh viên học quản lý đất đai ra trường rất dễ xin việc. Ngược lại, các trạm nông hóa thổ nhưỡng ở địa phương đã bị bỏ, các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT không có vị trí việc làm cho kỹ sư khoa học đất vì thế nên việc tuyển sinh rất khó khăn. Các em vào học rồi lại thi văn bằng hai hoặc xin chuyển. Năm 2011 còn tuyển sinh được 285 sinh viên khoa học đất nhưng năm 2017 không còn sinh viên nào”.
 
Cùng chung một hoàn cảnh thảm hại đó, thầy Ngô Thế Ân - Trưởng Khoa Môi trường kể tình trạng suy giảm sinh viên ở khoa mình rất nhanh, thậm chí hiện giảm tới 70% so với 5 năm trước (trung bình hơn 100 sinh viên so với 500 sinh viên trước đây). Dù khoa đã cố gắng thay đổi nội dung đào tạo nhưng vẫn không cải thiện được tình hình là bao. Còn GS Nguyễn Hữu Thành nhận định để khắc phục chuyện sinh viên không còn tha thiết học Bộ NN-PTNT cần phải có tác động đến Bộ Nội vụ để sao cho sinh viên ngành khoa học đất ra trường có cơ hội việc làm…
 
Phía đào tạo thì than sinh viên ra trường không xin được việc nhưng phía tuyển dụng lại than đỏ mắt không có người phù hợp. Ông Nguyễn Xuân Lai - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa kể đơn vị đang thiếu cán bộ khoa học đất mà phần lớn là cán bộ quản lý đất đai đâm đơn về nên phải đào tạo lại. Trường hợp tiêu biểu, bản thân ông là lãnh đạo Viện nhưng lại học ngành trồng trọt chứ cũng không phải xuất phát từ khoa học đất.
 
Trước sự xuống dốc của ngành, ông Lai tha thiết đề nghị cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đất toàn quốc vì nó là nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp, tiền đề cho việc tái cơ cấu. Bổ sung hệ thống quan trắc đất đai trên toàn quốc để có thể cảnh báo được tình hình. Bổ sung đầu tư cho phòng thí nghiệm của Viện đang rất xuống cấp bởi nếu không sẽ chỉ có được những số liệu phân tích “nghiêng ngả” chứ không thể “đứng” được về mặt khoa học.
 
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định cả hai mảng đào tạo và nghiên cứu về khoa học đất đều đáng lo ngại. Tất nhiên, Bộ NN-PTNT phải có trách nhiệm, phải có đề xuất về vấn đề này nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, trước tiên chính các thầy cô phải vươn lên tự khẳng định chính mình, tạo ra sự hấp dẫn riêng của lĩnh vực mình theo đuổi chứ không chỉ chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài: “Chúng ta đã có một nền móng, một lịch sử rất tuyệt vời nhưng nếu cứ để như thế này thì 5-10 năm nữa sẽ thế nào? Sẽ không còn ngành thổ nhưỡng nông hóa nữa. Không nước nào phát triển được nông nghiệp mà thiếu ngành đó cả. Phải khẳng định tầm quan trọng của nó như vậy.
 
Phải nghĩ cách để Bộ NN-PTNT đặt hàng các nhà khoa học đất. Trước tiên là đặt hàng nghiên cứu thổ nhưỡng cho các vùng trồng cây ăn quả có múi. Đặt hàng phục hồi đất Tây Nguyên. Đặt hàng phục hồi các sản phẩm bản địa thì phải trồng cây trên đất nào, yêu cầu dinh dưỡng ra sao. Đặt hàng nghiên cứu các loại giá thể để trồng cây. Đặt hàng nghiên cứu xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường nông thôn. Các loại phân bón hiện nay phần lớn không xuất phát từ nghiên cứu bài bản, từ thực tế mà chỉ từ công thức hóa học nên phải đặt hàng phân bón chuyên cho từng loại đất, loại cây, ưu tiên theo hướng hữu cơ...
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin tức liên quan

Không có thông tin dữ liệu