Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghê), UBND thành phố Hà Nội trao văn bằng chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức
Nhiệm vụ xây dựng Chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội được Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì thực hiện. Sau 2 năm triển khai (2022 - 2023), nhiệm vụ đã xây dựng được hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức với một số kết quả chính như sau:
- Nguồn gốc: Bưởi đường La Tinh Hoài Đức có nguồn gốc từ một cây bưởi cành chiết của cụ Bá Diệu từ khoảng những năm 1930, tức đã có khoảng gần 100 năm. Giống bưởi quý này đã gắn bó với người dân nơi đây và trở thành cây đặc sản của địa phương.
- Quy mô: Do quá trình đô thị hóa cộng với đặc điểm kén đất nên bưởi đường La Tinh Hoài Đức ngày càng thu hẹp. Theo các kết quả điều tra, bưởi đường La Tinh Hoài Đức hiện tại có gần 1400 cây. Giống bưởi này đã từng được di thực sang vùng ngoài bãi và 1 số xã lân cận tuy nhiên do độ ngọt không cao nên các hộ sản xuất đã chặt bỏ. Chính vì vậy hiện nay, bưởi đường La Tinh Hoài Đức hầu như chỉ được trồng trong vườn của các hộ sản xuất tại thôn La Tinh xã Đông La.
- Danh tiếng: Bưởi ăn rất ngọt, không the đắng, tôm giòn, ráo , thời gian bảo quản khá lâu (có thể lên đến hàng năm) mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm là những đặc điểm quý tạo nên danh tiếng và vị thế của bưởi đường La Tinh Hoài Đức thông qua việc tiêu thụ sản phẩm. Kể cả khi thị trường các loại bưởi ngọt khác xuống giá thì bưởi La Tinh Hoài Đức vẫn giữ được giá. Năm 2021, trong khi giá một số loại bưởi ngọt xuống tới 10.000 đồng/quả thì bưởi La Tinh Hoài Đức bán tại vườn vẫn được giá từ 25.000 - 35.000 đồng/quả, thậm chí loại 1 còn được bán với giá 40.000 đồng/quả.
- Đặc thù của sản phẩm: Bưởi đường La Tinh Hoài Đức có vị ngọt đậm; độ brix và đường tổng số cao (độ brix trung bình 13,46 %; đường tổng số trung bình 11,52%) cao hơn so với một số loại bưởi đường khác như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi Sửu, bưởi Soi Hà, bưởi đường lá cam, bưởi Khả Lĩnh, bưởi Hoàng, bưởi Hiệp Thuận và bưởi đường Hooc Môn.
- Đặc thù điều kiện tự nhiên: Địa hình khu vưc trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức cao (trung bình 7 – 15 m), cao hơn mức trung bình của toàn huyện dẫn đến khả năng tiêu, thoát nước tốt phù hợp với yêu cầu của cây bưởi. Bưởi đường La Tinh Hoài Đức được trồng trên đất phù sa trung tính, thành phần cơ giới chủ yếu thịt pha sét, rất thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của bộ rễ cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng vốn có hệ thống rễ bất định phát sinh và phát triển mạnh trên các lớp đất mặt.; Hàm lượng kali dễ tiêu trong đất giàu (trung bình 39,88 mg K2O/100g đất), hàm lượng các bon hữu cơ khá (trung bình đạt 1,63%) và hàm lượng nguyên tố vi lượng Zn giàu (trung bình 109,07 mg/kg) cả 3 chỉ tiêu trên tại vùng được bảo hộ CDĐL đều cao hơn các xã lân cận, đây là những yếu tố chính trong đất giúp làm tăng độ Brix và hàm lượng đường tổng số trong quả bưởi La Tinh Hoài Đức.
- Phạm vi vùng bảo hộ: Vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý bưởi đường La Tinh Hoài Đức thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội với diện tích 79,62 ha.
Trong bối cảnh diện tích trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức đang có xu hướng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa đã và đang xảy ra với tốc độ khá nhanh, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này nhằm mục đích bảo tồn nguồn gen bản địa quý, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc gắn kết công tác bảo tồn với phát triển du lịch nông nghiệp, tạo ra sản phẩm truyền thống bền vững, đa giá trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng ven đô của thành phố Hà Nội.
Lê Thị Mỹ Hảo
Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất