Tin Tức

Trang chủ

Phân tích, đánh giá biện pháp sử dụng phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp

23-11-2021 Lượt xem: 2387

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG PHÂN HỮU CƠ VÀ PHÂN HỮU CƠ VI SINH TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

 

Lê Thị Thanh Thủy, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

1. Khái niệm và nội dung phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh

          * Phân bón hữu cơ là gì?

Là những loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng ở dưới dạng những hợp chất hữu cơ, được dùng trong sản xuất nông nghiệp, có nguồn gốc, được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,…khi bón vào đất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất hưu cơ, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng.

         * Phân loại phân hữu cơ

         Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại phân bón hữu cơ và được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên chủ yếu được phân thành 2 loại chính (phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ được chế biến công nghiệp):

         - Phân  hữu cơ truyền thống bao gồm các loại phân rác, phân xanh, phân chuồng…

         - Phân hữu cơ chế biến công nghiệp bao gồm các loại phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân vi sinh vật, phân hữu cơ, phân bón lá hữu cơ, phân hữu cơ  khoáng.

         Phân bón hữu cơ vi sinh: Là sản phẩm phân bón chế biến theo quy trình công nghiệp từ nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau, được xử lý lên men với từ một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có lợi, chứa các bào tử sống. Hoặc có thể hiểu “Phân bón hữu cơ vi sinh là phân bón trong thành phần chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 loài vi sinh vật có ích” (Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 về quản lý phân bón).

         Ưu điểm: Cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa, trung, vi lượng cho cây trồng, cải tạo độ phì nhiêu, tơi xốp của đất. Cung cấp một lượng vi sinh vật phân giải các chất khó hấp thu thành chất dễ hấp thu, vi sinh vật đối kháng, ký sinh,…cho đất giúp ức chế, kìm hãm sự phát triển các mầm bệnh trong đất, nâng cao sức đề kháng của cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại với con người và sinh vật có ích.

         Nhược điểm: Thường hàm lượng, thành phần các chất hữu cơ ít hơn phân bón hữu cơ sinh học.

         Lựa chọn sản phẩm phân bón hữu cơ nào là tốt và đạt hiệu quả nhất? Trên thị trường hiện nay có một số loại sản phẩm Phân hữu cơ vi sinh có tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, tăng năng suất và chất lượng nông sản, cung cấp các chất hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng tính đệm, độ phì nhiêu cho đất, tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn còn bổ sung các chủng vi sinh vật đối kháng giúp hạn chế sâu bệnh hại, vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ,… từ đó tăng hiêu quả kinh tế, giảm chi phí phân bón và thuốc BVTV, sức khỏe người tiêu dùng sử dụng nông sản được đảm bảo.

         2. Ý nghĩa, tác dụng của phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn nông sản và bảo vệ môi trường

         Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Việc thay đổi loại phân bón hóa học đang sử dụng sang các loại phân bón hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất hiệu quả, trả lại cho đất lượng lượng hữu cơ đã bị mất. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay. 

         Phân hữu cơ là loại phân bón có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng các hợp chất hữu cơ, dùng trong canh tác và sản xuất nông nghiệp. Phân hữu cơ có nguồn gốc và được hình thành từ tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, phân, chất thải của gia súc, gia cầm… Việc bón phân hữu cơ sẽ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối, bền vững; giúp cây trồng phát triển tốt, ổn định; tăng chất lượng nông sản; tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn, giúp đất tơi xốp, cân bằng vi sinh vật trong đất; hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất; cải tạo đất trồng; không gây ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ làm tăng kết cấu của đất, giúp đất trở thành một bộ máy lọc thông minh, lọc các chất độc có trong đất, nước rồi từ từ phân hủy hoặc làm giảm tính độc của chúng, giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho con người. Bón phân hữu cơ giúp nhà nông tiết kiệm nước tưới, hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ. Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp nông sản không bị tồn dư các hóa chất độc hại, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. Cho nên việc sử dụng phân bón hữu cơ rất an toàn cho con người.

         Ngoài những ưu điểm trên thì phân hữu cơ cũng có những nhược điểm như hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên phải bón lượng lớn, đòi hỏi chi phí lớn để vận chuyển và nếu không chế biến kỹ có thể mang đến một số nấm bệnh cho cây trồng, nhất là khi chế biến từ một số loại chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm hoặc ô nhiễm thứ cấp do có chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt quá mức quy định.

         Phân hữu cơ vi sinh trong thành phần có chứa nhiều hơn 15% chất hữu cơ và tồn tại trong đó từ một hoặc nhiều các loại vi sinh vật vẫn còn sống và sẽ hoạt động khi được bón vào đất với mật độ trung bình ≥ 1×106 cfu/mg mỗi loại. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh là rất cần thiết vì nó có rất nhiều lợi ích như sau: (i) Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cây trồng (đạm, lân, kali, các nguyên tố trung, vi lượng, các kích thích tố sinh trưởng, các vitamin cho cây, các vi sinh vật hữu ích như: phân giải lân, vi sinh vật đạm, phân giải xenlulo…), giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định; (ii) Giúp giữ ẩm, giữ phân, giữ nước, hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất, giúp nhà nông tiết kiệm nước tưới; (iii) giúp cho bộ rễ của cây trồng phát triển rất tốt, bền lâu; (iv) Giúp cho hệ vi sinh vật trong đất phát triển mạnh mẽ, giúp đẩy lùi được dịch bệnh và các vi sinh vật bất lợi sẽ bị triệt tiêu: phân hữu cơ vi sinh có khả năng ức chế các vi sinh vật có hại gây bệnh cho cây trồng nhờ vào việc chứa các vi sinh vật có khản năng ký sinh, đối kháng, ức chế hay tiết ra các chất có tác dụng kìm hãm, ức chế các vi sinh vật gây bệnh và làm các vi sinh vật bất lợi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng sẽ bị triệt tiêu từ đó đẩy lùi được dịch bệnh; (v) Tăng chất lượng nông sản; (vi) Tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn cho đất, cải thiện các tính chất lý, hoá, sinh học của đất ngày một tốt lên, đặc biệt là đối với đất cát, đất bạc màu; (vii) Hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường và độc hại tới con người giúp phục hồi đất canh tác, cây trồng được phát triển cân đối.

         Phân bón hữu cơ không để lại những hậu quả đối với môi trường, sức khỏe như phân bón vô cơ. Việc sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh là con đường giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

3. Thực trạng tình hình nghiên cứu, sản xuất và  ứng dụng  phân hữu cơ vi sinh  trong sản xuất nông nghiệp hiện nay

 Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, hàng năm được sử dụng với số lượng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất và sử dụng phân bón cân đối, đúng cách góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và duy trì độ phì nhiêu của đất. Theo xu thế chung hiện nay, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sử dụng phân bón mất cân đối còn phổ biến, việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ chưa nhiều, để lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có, làm giảm chất lượng và rút ngắn thời gian bảo quản nông sản phẩm trong thực tế.

          Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết năm 2019, số lượng phân bón đã được công nhận lưu hành là 23.097 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ: 19.049 sản phẩm (chiếm 82,5%), phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học): 4.048 sản phẩm (chiếm 17,5%). Như vậy, cơ cấu số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã giảm từ 93,7% xuống còn 82,5% và số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đã tăng từ 6,3% lên 17,5% so với năm 2018. Hiện nay, cả nước có tổng số 814 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất sản xuất là 32,27 triệu tấn/năm. Trong đó, 576 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (công suất 28,8 triệu tấn/năm, chiếm 89,3%), 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (công suất 3,47 triệu tấn/năm, chiếm 10,7%). Số liệu trên cũng cho thấy sản phẩm phân bón hữu cơ vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với phân bón vô cơ cả về cơ cấu số lượng sản phẩm cũng như công suất sản xuất.

          Ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Năm 2021, triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ.

          Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và an toàn. Nhưng để sử dụng phân bón hữu cơ, đạt hiệu quả cao nhất lại là vấn đề chưa được nhiều người sản xuất quan tâm. Hiện nay, hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ còn chưa cao; trong sản xuất trồng trọt nguyên nhân do người sản xuất bón chưa đúng cách. Nguyên tắc bón phân: Bón đúng nhu cầu cây trồng – đúng liều lượng- đúng lúc- đúng cách. Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ người sản xuất cần chú ý những điểm sau:

          - Phân hữu cơ truyền thống (phân xanh, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp):  Khi đưa vào sử dụng bón cho đất cần phải ủ cho hoại mục. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng phân bón mà áp dụng phương pháp ủ thích hợp để vừa đảm bảo có phân dùng đúng lúc vừa đảm bảo được chất lượng phân ủ. Phân hữu cơ truyền thống sử dụng chủ yếu dùng để bón lót, trước khi trồng. Cách bón là bón theo hàng, theo hốc, theo hố hoặc bón rải trên mặt đất rồi cày vùi. Lượng phân bón tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng  của cây trồng, chất lượng của phân bón, (phân bón chất lượng tốt thì bón ít, phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp thì bón nhiều), tính chất của đất đai, mùa vụ trong năm và loại cây trồng.

          - Phân hữu cơ công nghiệp (hữu cơ khoáng, hữu cơ sinh học, phân vi sinh và hữu cơ vi sinh):  Sử dụng cho cả bón lót và bón thúc. Trong quá trình sử dụng phân bón hữu cơ không nên kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ vì sẽ  làm giảm hiệu lực phân bón. Bản chất của phân bón hữu cơ vi sinh là tồn tại rất nhiều vi sinh vật có ích còn sống vì vậy chúng ta không được sử dụng các chất, thuốc, phân … có tính oxy hóa cao để hòa trộn hoặc tưới vào nơi đã sử dụng phân hữu cơ vi sinh vì như thế sẽ gây chết các vi sinh vật đó. Thời gian tốt nhất để tạo khoảng cách cho 2 lần sử dụng những loại thuốc hoặc phân khác nhau là khoảng 2 tuần.

          - Tránh trộn, bón phân hữu cơ thô (Phân chưa hoai mục) vào đất. Trộn, bón phân hữu cơ thô vào đất sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển và phá hủy cấu trúc đất, do quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ sinh ra những vấn đề như: Sinh ra khí Metan gây ngộ độc rễ ; Tăng lượng a xít hữu cơ trong đất...v.v.

          Trong thời gian qua có nhiều đề tài nghiên cứu các cấp (nguồn vốn từ Trung ương, địa phương) về sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau và ứng dụng cho nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, đậu, cây công nghiệp....) tại nhiều vùng sinh thái trong cả nước. Các nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu, các công ty đã nghiên cứu chế tạo được nhiều loại phân bón HCVS và ứng dụng hiệu quả trên đồng ruộng góp phần nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu còn cần phải tập trung nâng cao chất lượng phân bón, hạn sử dụng phân bón vì phân bón hữu cơ vi sinh nếu để quá hạn cho phép sẽ làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng, vi sinh vật trong phân. Ngoài ra, cần có thêm nghiên cứu về liều lượng sử dụng phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng tại các vùng đất khác nhau, ở từng mùa vụ và từng độ tuổi của cây.

          Một trong những điểm cần khắc phục là đẩy mạnh việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao từ các nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, phụ phẩm sau chế biến...cũng như việc nghiên cứu sử dụng hiệu quả các loại phân HCVS phù hợp với từng loại cây trồng ở từng vùng đất, mùa vụ và tuổi cây khác nhau.

4. Ưu nhược điểm và những thuận lợi – khó khăn của việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng phân hữu cơ vi sinh trong SXNN hiện nay

             * Ưu điểm: Nhiều cơ quan nghiên cứu có cơ sở vật chất (trang thiết bị, nguồn nhân lực) đảm bảo cho nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao; Có nhiều phòng phân tích và đánh giá chất lượng đất, phân bón đạt chuẩn giúp cung cấp số liệu chính xác về tình trạng độ phì nhiêu đất nhằm đưa ra các biện pháp quản lý phân bón, quản lý đất nhằm duy trì hoặc cải thiện độ phì nhiêu đất cho sản xuất nông nghiệp bền vững; Sản phẩm tạo ra tương đương với sản phẩm nhập nội, giá thành hợp lý; Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình, dự án tạo điều kiện thực hiện một số đề tài dự án cho nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Đặc biệt tạo điều kiện cho các công ty được thành lập các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ để được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng một số loại phân hữu cơ vi sinh

          * Nhược điểm: Quy trình công nghệ, điều kiện sản xuất còn hạn chế; Thời gian bảo quản chế phẩm vi sinh và phân hữu cơ vi sinh còn ngắn (dưới12 tháng);         Ứng dụng sản phẩm: Ngành nông nghiệp ở mỗi tỉnh còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong bối cảnh phát triển hiện nay như điều kiện tự nhiên, công nghệ nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp (dịch vụ khuyến nông còn chưa mạnh, thiếu thông tin cần thiết cho việc cải tiến công nghệ trồng trọt, nhiều nông dân không có đủ thông tin cần thiết cho việc cải tiến công nghệ nông nghiệp)...; Các đơn vị sản xuất còn thiếu chiến lược thương mại hoá sản phẩm.

          * Thuận lợi: Ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Năm 2021, triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp (dự báo thời tiết thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón), là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Do yêu cầu thị trường về chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường sống bền vững, ngành nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất theo nông nghiệp giá trị, đòi hỏi chất lượng cao, hạn chế tới mức thấp nhất tồn dư hóa chất cũng như các chất gây hại trong sản phẩm nông nghiệp. Sự dịch chuyển ngày càng tăng trong ngành nông nghiệp sang xu hướng canh tác hữu cơ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thị trường phân bón hữu cơ/hữu cơ vi sinh tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ  môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế…đang được đặc biệt quan tâm hiện nay khi mà hệ lụy từ quá trình sản xuất công nông nghiệp...gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...ngày càng tăng;  Các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh đang trở thành sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người nông dân, là những thành phần thiết yếu của canh tác hữu cơ

          * Khó khăn:

         Việc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh ở Việt nam còn rất hạn chế. Nền nông nghiệp nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp, giá thành nông sản lại cao, thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ, tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị; Việc ứng dụng KH&CN và cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, sức cạnh tranh với khu vực và thế giới chưa cao; thậm chí, ở một số lĩnh vực còn đi sau thế giới khá xa.

        Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu cho nên thách thức trực tiếp và lâu dài đến sản xuất nông nghiệp là tác động của biến đổi khí hậu.

        Mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân. Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản xuất thường cao hơn sản phẩm sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Nhận thức của một bộ phân nông dân về ứng dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh còn hạn chế, vì vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phân hữu cơ là một thách thức lớn.

        Phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh có tác dụng với cây trồng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ, dễ dẫn đến rủi ro bùng phát dịch hại và năng suất giảm nhiều.

5. Đề xuất các giải pháp để phát triển sản xuất phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo an toàn nông sản và bảo vệ môi trường  (giải pháp chính sách và công tác quản lý, giải pháp kỹ thuật và các giải pháp khác)

          - Ưu tiên phân bổ kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ về phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm cung cấp sản phẩm phân bón hữu cơ tại chỗ, giá thành hợp lý góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học, nhà quản lý cần phải tiếp tục hoàn thiện các biện pháp sản xuất, chế biến, sử dụng và quản lý phân hữu cơ để đạt hiệu quả cao hơn, bao gồm cả nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón trên cơ sở bón phân cân đối hữu cơ - vô cơ để đạt được mục tiêu sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao theo hướng bền vững.

          - Tổng kết một số mô hình chuỗi giá trị sử dụng phân hữu cơ vi sinh có hiệu quả để làm cơ sở ban hành các văn bản pháp lý khuyến khích phát triển nhân rộng nhiều mô hình. Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất. Hỗ trợ một phần giá cả của phân hữu cơ vi sinh cho người nông dân thực hiện.

          - Cần xác định rõ tiềm năng và dự báo được xu thế phát triển ứng dụng phân hữu cơ vi sinh trên thế giới và ở nước ta, xác định vùng sản xuất chính, có lợi thế, sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trên cơ sở đó các địa phương quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu và phát huy thế mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ. 

          - Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chủ trương, chính sách phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần: Luật Trồng trọt; Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/8/2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;

         - Tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ tăng cường nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối nhằm cung cấp phân hữu cơ tại chỗ, giá thành hợp lý. Đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vận động các doanh nghiệp áp dụng cơ chế bán hàng "chậm trả" cho ngưởi nông dân để tăng cường đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp.

          Nông nghiệp thế kỷ 21 là một nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch. Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng, nhiệm vụ của loài người là phải tạo ra một nền nông nghiệp thâm canh bền vững. Trong đó cùng với việc sử dụng tối thích phân khoáng, tái sử dụng tàn dư thực vật làm phân bón, giảm đến tối đa những chất phế thải và việc mất dinh dưỡng để không làm ô nhiễm môi sinh. Đồng thời phải làm cho đất phát huy tác dụng tích cực hơn, trở thành nơi đồng hóa chất thải, biến chất thải thành nguồn chất dinh dưỡng; phụ phế phẩm nông nghiệp trở thành một phần của hệ thống sản xuất (Bùi Huy Hiền, 2020).

          Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đoàn thể và sự nỗ lực, hưởng ứng của toàn thể nông dân, hy vọng việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh sẽ được đẩy mạnh, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững/.