Ngày 22/12/2021, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cá chình bông của Phú Yên”. Đồng chủ trì Hội thảo là ông Dương Bình Phú – GĐ Sở KH&CN Phú Yên và ông Trần Minh Tiến – Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của nhiệm vụ là xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất; phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm cá chình bông tỉnh Phú Yên và góp phần vào phát triển du lịch gắn sản phẩm với vùng địa danh.
Các nội dung để xác lập quyền CDĐL “Phú Yên” cho sản phẩm cá chình bông giống và cá chình bông thương phẩm, gắn với kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển CDĐL phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất đặc thù của sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ CDĐL; Quảng bá và phát triển CDĐL “Phú Yên” cho các sản phẩm cá chình bông nhằm mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL, nhiệm vụ sẽ tập trung đánh giá, thiết kế mô hình tổ chức và các điều kiện phục vụ hoạt động quản lý và phát triển CDĐL. Khảo sát về nhu cầu sử dụng CDĐL và kinh doanh sản phẩm mang CDĐL. Đánh giá chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan tham gia quản lý và phát triển CDĐL. Nghiên cứu thiết kế mô hình tổng thể hệ thống quản lý và phát triển CDĐL, trong đó chú trọng nâng cao năng lực của tổ chức và vận hành hệ thống quản lý nội bộ và quản lý bên ngoài đối với CDĐL.
Nhiệm vụ sử dụng hệ thống các công cụ, phương tiện phục vụ quản lý nội bộ và quản lý từ bên ngoài đối với CDĐL; hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm cá chình bông được bảo hộ CDĐL; hệ thống công cụ, phương tiện quảng bá và thương mại hóa sản phẩm mang CDĐL để vận hành thử nghiệm quản lý CDĐL trên thực tế. Kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bàn giao mô hình cho đơn vị thụ hưởng sau khi nhiệm vụ kết thúc.
Đại diện nhà khoa học, các tổ chức cá nhân phối hợp thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thêm thông tin về thực trạng cá chình bông tại địa phương, doanh nghiệp của mình. Đồng thời cũng mong muốn tổ chức chủ trì nhiệm vụ, các cơ quan quản lý đến thăm thực tế tại địa phương để có cách nhìn khái quát giúp nhiệm vụ được thực hiện thành công.