Mở ra nhiều triển vọng mới từ kết quả dự án KH&CN “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế”
13-04-2024Lượt xem:
597
TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì tại Hội nghị
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã và đang trở thành một trong những định hướng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản. Chiều ngày 12/4/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án KH&CN “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa làm đơn vị chủ trì.
Mục tiêu của dự án nhằm sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) tạo lập, quản lý và phát triển CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Báo cáo kết quả thực hiện tại Hội nghị, TS. Lương Đức Toàn - Chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án cơ bản thực hiện đầy đủ các nội dung theo quyết định phê duyệt. Cụ thể, đơn vị chủ trì đã nghiên cứu thực trạng sản xuất, đánh giá yếu tố đặc thù về lịch sử và con người vùng trồng Thanh trà Huế. Đã xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký bảo hộ CDĐL cho sản phẩm Thanh trà Huế (về tính chất đặc thù về cảm quan và chất lượng sản phẩm; nguồn gốc sản phẩm; khu vực sản xuất sản phẩm mang CDĐL bảo hộ; xác định được yếu tố con người tác động đến chất lượng quả Thanh trà, bao gồm các yếu tố đặc thù: giống và nhân giống; thời điểm trồng; chọn đất; chăm sóc; thu hoạch; tiêu chuẩn xuất xưởng....).Đã hoàn thiện bộ hồ sơ theo yêu cầu và nộp hồ sơ đăng ký CDĐL Huế dùng cho sản phẩm quả Thanh trà kết quả vào ngày 18/01/2024, Cục SHTT đã ban hành Quyết định số 11/QĐSHTT, về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00135 cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý việc sử dụng, khai thác, phát triển CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà (Quy chế quản lý CDĐL Thanh trà Huế; Quy chế ghi nhận sử dụng CDĐL; Quy chế kiểm soát việc sử dụng tem, nhãn cho sản phẩm quả Thanh trà mang CDĐL “Huế... ; Xây dựng thành công phần mềm quản lý CSDL và truy xuất nguồn gốc sản phẩm dưới dạng trực tuyến (http://id.thanhtrahue.com.vn). Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu CDĐL Thanh trà Huế; Xây dựng sổ tay CDĐL Thanh trà Huế... Đồng thời, nhóm dự án đã triển khai thực hiện thí điểm các hoạt động quản lý CDĐL như: Hội nghị công bố CDĐL Thanh trà Huế; Đại hội thành lập Hội Thanh trà; Các lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về CDĐL cho cán bộ các ban ngành trong tỉnh tham gia vào hệ thống quản lý CDĐL. Cũng như đã hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà tỉnh Thừa Thiên Huế (xây dựng Website giới thiệu sản phẩm Thanh trà Huế http://thanhtrahue.com.vn; xây dựng phóng sự và phát sóng phóng sự trên đài truyền hình địa phương; 01 bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế số 1 (189), 2024).
Có thể thấy, kết quả của dự án là cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở quan trọng để đề nghị Cục SHTT, Bộ KH&CN cấp Văn bằng bảo hộ CDĐL Huế cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế. Khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, những tính chất và chất lượng đặc thù của sản phẩm Thanh trà Huế. Đây là một trong những thuận lợi trong việc tạo thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng, vị thế, danh tiếng sản phẩm Thanh trà Huế trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cho địa phương, TS. Lương Đức Toàn thông tin thêm.
Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu ghi nhận sự nỗ lực và đánh giá cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì trong quá trình thực hiện dự án, có một số nội dung thực hiện vượt so với đơn đặt hàng. Nhận xét về báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt cơ bản trình bày logic, đầy đủ các nội dung theo thuyết minh. Tuy nhiên, đề nghị nhóm thực hiện dự án cần bổ sung thêm tính cấp thiết tại sao cần phải xây dựng CDĐL, bổ sung thêm nguồn gốc, đặc điểm sinh học, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tính đặc thù của Thanh trà, các thông tin đánh giá hình thái chất lượng Thanh trà Huế, xem xét lại các chỉ tiêu đánh giá về Thanh trà Huế để hiệu chỉnh phù hợp với thực tế. Về phần điều tra khảo sát cần phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, tham khảo thêm các nguồn tài liệu của ngành Nông nghiệp đã ban hành để hiệu chỉnh lại quy trình, các chỉ tiêu đánh giá. Đồng thời, bổ sung thêm quy trình hướng dẫn bảo quản quả Thanh trà, các giải pháp kỹ thuật sau thu hoạch cũng như bổ sung các đề xuất, phương án bán hàng trên sàn thương mại điện tử và trên các nền tảng số. Rà soát, chỉnh sửa các lỗi morat, các phần trích dẫn tài liệu trong báo cáo.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu toàn diện ý kiến của Hội đồng tại cuộc họp để rà soát, hiệu chỉnh lại báo cáo tóm tắt và báo cáo tổng kết dự án. Rà soát một số nội dung chưa phù hợp như Quy chế sử dụng CDĐL, quy trình quản lý chất lượng Thanh trà Huế… để điều chỉnh phù hợp với thực tế. Chỉnh sửa các lỗi chính tả, các từ ngữ, thuật ngữ trong báo cáo theo văn phong khoa học và nộp lại Sở KH&CN sau 15 ngày làm việc. Theo đó, kết quả Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt.
Hy vọng, từ kết quả dự án KH&CN “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế” sẽ là cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học tạo dựng nên một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý vững mạnh, góp phần gia tăng giá trị và uy tín thương hiệu nông sản của địa phương, mở ra nhiều cơ hội mới cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp làm giàu và phát triển bền vững từ trái Thanh trà.
Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày Sở KH&CN đã tổ chức Hội nghị trao Giấy ghi nhận quyền sử dụng CDĐL Thanh trà Huế cho 77 Hội viên thuộc Hội Thanh trà Huế theo Quyết định số 72/QĐ-SKHCN ngày 04/4/2024 của Sở KH&CN về việc ghi nhận quyền sử dụng CDĐL Thanh trà Huế. Cũng tại Hội nghị, ông Hồ Thắng đề nghị Ban chấp hành Hội Thanh trà Huế cần duy trì chế độ hội họp, nhanh chóng thành lập các Chi Hội Thanh trà Huế tại các huyện, xã. Đồng thời, xây dựng các phương án, kế hoạch tổ chức Lễ hội Thanh trà Huế năm 2024.