Tin Tức

Trang chủ

Bàn cách cải thiện “sức khoẻ” cho đất trồng trọt

24-06-2024 Lượt xem: 413

Cánh đồng lúa vụ Đông Xuân 2024 tại thành phố Châu Đốc (An Giang)

Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Tuy nhiên, diện tích đất đang bị thoái hoá, suy kiệt do canh tác quá mức hoặc ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng lớn, cần có giải pháp để cải thiện “sức khoẻ” cho đất.

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội nghị Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14/6.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hoá cho biết, tại Việt Nam diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người chỉ 0,25 ha, thuộc loại thấp nhất trên thế giới trong khi bình quân trên thế giới là 0,52 ha và bình quân trong khu vực là 0,36 ha.

Không những thế, sức khỏe đất cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần xử lý. Có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng. Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên như: hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn; hoang mạc đất nhiễm phèn và thoái hóa do tác động của con người do thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện.

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết,Bình Phước có diện tích canh tác các loại cây lớn như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn trái. Thực tế thời gian qua cho thấy, với diện tích cao su và điều người dân ít bón phân nên mức độ thoái hoá đất không đáng kể. Tuy nhiên, với diện tích trồng hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả, đất có dấu hiệu chai sạn, cây trồng phát sinh nhiều dịch bệnh.

Nguyên nhân là khi hồ tiêu, cà phê có giá trị kinh tế cao, người dân tích cực bón phân hoá học và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất cao. Hiện địa phương đã có quy hoạch các loại cây trồng phù hợp với từng chân đất khác nhau, lên phương án cải tạo đất để phục vụ sản xuất lâu dài. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần sớm xây dựng quy trình trồng trọt, canh tác hữu cơ để hướng dẫn nông dân thực hành đúng, hiệu quả.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nêu thực tế, Hải Dương là tỉnh đồng bằng nhưng đang có tình trạng “sa mạc hoá” do đất đai bị suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp.

Nguồn: https://bnews.vn/ban-cach-cai-thien-suc-khoe-cho-dat-trong-trot/337504.html#google_vignette