HỘI THẢO KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI HỆ THỐNG SẢN XUẤT SẮN TẠI VIỆT NAM THÔNG QUA CANH TÁC TÁI SINH VÀ QUẢN LÝ CHUỖI GIÁ TRỊ TINH BỘT SẮN THÔNG MINH
13-09-2024Lượt xem:
285
Ngày 10/9/2024, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tổ chức thành công Hội thảo khởi động dự án “Chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn tại việt nam thông qua canh tác tái sinh và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh”. Đây là một dự án đầy triển vọng, được hợp tác giữa các tổ chức trong nước và quốc tế, nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và giá trị bền vững của ngành sản xuất sắn tại Việt Nam.
Hội thảo vinh dự được đón tiếp các vị khách quý đại diện các bộ ban ngành liên quan, chuyên gia nông nghiệp, các nhà khoa học, và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sắn. Về phía Nhật bản có sự tham gia của Ông Hiroyuki Tanaka - Trưởng phái đoàn JICA; Bà Mitsuko Nakamura - Phái đoàn JICA (chuyên gia tư vấn); Ông Takuro Shinano - Trưởng nhóm dự án Satreps; Bà Keiko Sato - chuyên gia JICA; cùng các chuyên gia từ Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Về phía Việt Nam, Hội thảo vinh dự đươc đón tiếp Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Ông Bùi Quang Đãng - Trưởng ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế, viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ông Đặng Xuân Thái - Cục Biến đổi khí hậu, bộ Tài nguyên và Môi trường; các lãnh đạo các đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia dự án cùng các thành viên tham gia dự án.
Để đối phó với mức độ suy thoái đất và tác động của biến đổi khí hậu, việc nghiên cứu, ứng dụng hệ thống kỹ thuật canh tác tái sinh/tuần hoàn và công nghệ giám sát, quản lý thông minh để cải tiến và chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn tại Việt Nam. Trong dự án này, các tổ chức của Việt Nam, hợp tác với các đối tác Nhật Bản, sẽ tập trung vào việc thiết lập canh tác tái sinh/tuần hoàn để chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn thông qua việc xác định các giống sắn dự trữ carbon/xây dựng các phương pháp canh tác tái sinh/tuần hoàn và các công cụ kỹ thuật số để giám sát các hoạt động mở rộng canh tác. Các công nghệ và kiến thức liên quan do các đối tác phát triển sẽ được hiện thực hóa tại Việt Nam. Dự án cũng sẽ tập trung vào việc xác định các thành phần cần thiết để tạo ra tín chỉ carbon được tư vấn bởi bên thứ ba như Verra và Gold Standard.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Đào Thế Anh - PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường nông sản quốc tế. Sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống canh tác sắn hiện tại đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng suy giảm năng suất do đất đai bạc màu, phương pháp canh tác chưa bền vững và quản lý chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế.
Dự án “Chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn tại việt nam thông qua canh tác tái sinh và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh” tập trung vào việc phát triển nền tảng kỹ thuật ở Việt Nam với sự hợp tác của các tổ chức đối tác phía Nhật Bản và CIAT. Cây sắn và các loại đất ở các vùng sản xuất trọng điểm là đối tượng chính của dự án nhằm cải thiện sức khỏe đất, tích trữ các bon trong đất. Các công nghệ và kiến thức về canh tác tái sinh/tuần hoàn, công nghệ thông minh trong quản lý chuỗi cung ứng tinh bột do các tổ chức đối tác phía Nhật Bản và Việt Nam phát triển và sử dụng sẽ được hiện thực hóa tại Việt Nam thông qua hợp tác khoa học với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Viện Di truyền Nông nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hội thảo khởi động đã đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn tại Việt Nam. Kết quả từ dự án không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống của người nông dân. Các bên tham gia hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của các đối tác trong nước và quốc tế, dự án sẽ mang lại những thay đổi tích cực, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại cho ngành sản xuất sắn tại Việt Nam.