Tọa đàm khoa học “Hệ thống Phân loại đất Việt Nam”
12-12-2024Lượt xem:
113
Hướng tới kỷ niệm ngày Đất Thế giới 5/12, sáng ngày 05/12, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện TNNH) và Chi hội Khoa học đất Viện tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Hệ thống Phân loại đất Việt Nam” nhằm trao đổi và thống nhất cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về phân loại đất tại Việt Nam.
Chủ đề của ngày Đất thế giới năm nay là quan tâm đến đất trên 3 khía cạnh: Đánh giá - Quan trắc - Quản lý nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về việc bảo vệ và quản lý tài nguyên đất bền vững, đồng thời nỗ lực xây dựng một tương lai có đất đai khỏe mạnh song hành cùng hệ sinh thái phát triển vững chắc.
Tham dự buổi tọa đàm, có các chuyên gia, Hội Khoa học đất, Lãnh đạo Viện cùng các hội viên Chi hội KH đất Viện TNNH.
Phát biểu chào mừng buổi tọa đàm, TS. Trần Thị Minh Thu - Phó Viện trưởng cho rằng buổi tọa đàm này là cơ hội chia sẻ ý kiến về Hệ phân loại đất Việt Nam, làm tiền đề cho việc thống nhất hệ thống phân loại đất trên toàn quốc.
Buổi tọa đàm khoa học do TS. Nguyễn Quang Hải - Phó Viện trưởng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện - Hội trưởng chi hội Khoa học đất Viện TNNH chủ trì.
Tại buổi tọa đàm, Ths. Hoàng Trọng Quý đã trình bày Dự thảo xin ý kiến xây dựng TCCS về Hệ thống phân loại đất Việt Nam:
Hệ thống phân loại đất (HTPLĐ) được xây dựng trước những năm 1990 trên quy mô toàn quốc với tỷ lệ 1/1.000.000, bao gồm 13 nhóm đất và 31 loại đất. Tuy nhiên, hệ thống này còn tồn tại nhiều vấn đề, như cấp phân vị không thống nhất, danh pháp giữa các bản đồ không đồng nhất, và các chỉ tiêu phân loại không được định nghĩa rõ ràng, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn. Những nghiên cứu gần đây đã ứng dụng hệ phân loại đất của FAO-Unesco để chuyển đổi danh pháp đất Việt Nam một cách định tính, nhưng vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là việc không sử dụng trực tiếp các yếu tố hình thành đất và khí hậu trong phân loại đất, cũng như khó khăn trong việc Việt hóa các đặc tính chẩn đoán.
Từ những vấn đề tồn tại trên, có thể nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) phân loại đất thống nhất cho toàn quốc. Bộ TCCS này cần có nguyên tắc phân loại rõ ràng, các cấp phân vị nhất quán, có thể áp dụng cho các tỷ lệ bản đồ khác nhau và phục vụ tốt cho công tác sử dụng đất. Hệ thống này cần phải dễ dàng chuyển đổi sang các hệ phân loại đất quốc tế, có cấu trúc mở theo USDA và các chỉ tiêu phân loại của FAO-UNESCO, đồng thời được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở phân loại đất Việt Nam cũng sẽ là cơ sở để hình thành tiêu chuẩn quốc gia, phục vụ cho công tác xây dựng bản đồ đất ở các tỷ lệ khác nhau.
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đóng góp, nhận xét quý báu, giúp nhóm nghiên cứu của Viện TNNH có thêm cơ sở để chỉnh sửa và hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn Cơ sở (TCCS) phân loại đất. Những góp ý này sẽ được tích hợp vào quá trình hoàn thiện bộ TCCS, nhằm đảm bảo tính khả thi và ứng dụng thực tiễn. Dự kiến, bộ TCCS sẽ được Viện công bố trong thời gian sắp tới, góp phần quan trọng vào công tác quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam.