Tin Tức

Trang chủ

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 5] Sức khỏe đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh

17-12-2024 Lượt xem: 82

Bản đồ ô nhiễm đất tỉnh Bắc Ninh.

TS Lương Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh.

Theo TS Lương Đức Toàn, hiện các tỉnh, thành đang có 4 yêu cầu mà Bộ NN-PTNT thường xuyên đề nghị thực hiện: Thứ nhất là báo cáo kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả hàng năm; thứ hai là xác định vùng đất sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao; thứ ba là thực hiện theo Quyết định 885/QĐ-TTg của Chính phủ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó phải xác định được tiềm năng đất đai cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn của mỗi địa phương; thứ tư là xác định cơ sở dữ liệu về đất trồng, nước tưới cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm và mã số vùng trồng.

Các tỉnh, thành đang lúng túng về việc chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây gì phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao. Hiện hàng năm các tỉnh, thành thường chỉ dựa trên nhu cầu của mỗi địa phương trong tỉnh để báo cáo lên Bộ NN-PTNT, nhưng việc thực thi công tác chuyển đổi thì rất khó vì không có cơ sở khoa học về đất đai để thực hiện.

Vì vậy, ngành nông nghiệp các tỉnh đang rất cần biết chất lượng đất ở mỗi vùng chi tiết tới tận cấp xã để thực hiện việc chuyển đổi có hiệu quả. Những nhiệm vụ đánh giá chất lượng đất sản xuất nông nghiệp mà Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang thực hiện phần lớn là giải quyết vấn đề này và đưa ra khuyến cáo cho các địa phương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả nhất.

TS. Lương Đức Toàn

 

Đối với vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Quyết định 885/QĐ-TTg thì bắt buộc phải xây dựng các tiêu chí về đất đai và khoanh các vùng đất đảm bảo về mặt chất lượng đất, môi trường đất để quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa, trong đó các tỉnh phải khoanh được vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao để được hưởng hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, cơ sở từ dữ liệu về đất trồng lúa để đảm bảo cho việc trồng lúa năng suất, chất lượng cao tại các tỉnh đang còn thiếu.

Chính vì vậy, việc tổng điều tra, đánh giá chất lượng đất và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn tỉnh ở quy mô lớn là rất cần thiết. Khi cơ sở dữ liệu về đất đai được hoàn thiện thì chính cơ sở dữ liệu này là một phần không thể thiếu cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm và làm cơ sở phục vụ cho việc cấp mã số vùng trồng.

Nghiên cứu tác động của làng nghề đến chất lượng đất.

 

“Tỉnh Phú Yên bắt đầu thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về đất sản xuất nông nghiệp từ năm 2022, đến bây giờ vẫn chưa được hoàn thiện. Năm 2013 chúng tôi đã từng nghiên cứu về đất đai cho toàn tỉnh Phú Yên ở quy mô cấp huyện, đến nay đã hơn 10 năm, hiện tại việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất sản xuất nông nghiệp cho toàn tỉnh sẽ thực hiện chi tiết hơn đến cấp xã. Về mặt thổ nhưỡng thì không có thay đổi nhiều, chỉ có thay đổi một số tính chất ở tầng mặt nhưng không lớn bởi việc thâm canh ở Phú Yên không cao như các tỉnh khác, lúa cũng chỉ canh tác hai vụ, các cây trồng khác tuy đa dạng nhưng cũng chưa thành các vùng trồng tập trung thâm canh cao.

Ở Bắc Ninh chúng tôi thực hiện các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định với các giai đoạn từ đánh giá thoái hóa đất, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và ô nhiễm đất, tuy nhiên thực hiện ở tỷ lệ bản đồ chỉ 1/50.000 nên không chi tiết đối với các nhiệm vụ đánh giá chất lượng đất, nông hóa, thổ nhưỡng do ngành nông nghiệp quy định.

Từ những dữ liệu có được có thể thấy ở Bắc Ninh có vấn đề ô nhiễm đất cục bộ, chỗ nào bị là bị rất nặng như các vùng xung quan các làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp; kim loại nặng như kẽm, đồng ở các vùng ven đô, ven cụm công nghiệp, các làng nghề tái chế có xu thế ở mức cao tại những nơi chưa có khu xử lý tập trung.

Chuyên gia nước ngoài thăm nhà lưới của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. 

 

Tuy nhiên ở vùng canh tác nông nghiệp lại không thấy biểu hiện về ô nhiễm hoặc thoái hóa đất. Đất nông nghiệp ở Bắc Ninh chủ yếu gồm hai loại là đất xám bạc màu và đất phù sa. Nhờ thâm canh tốt nên năng suất cây trồng rất cao, canh tác tới 3 vụ. Hiện ở Bắc Ninh đất bỏ hoá và đầm ngập nước cũng nhiều, nhất là vùng xung quanh các cụm, khu công nghiệp, một số vùng đang được chuyển sang trồng sen thay vì trồng lúa và cây trồng khác.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cứ 5 năm phải kiểm tra lại chất lượng đất một lần như vậy. Hiện cũng đã đến kỳ 5 năm nhưng lại phải chờ vì thông tư quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa mới được thay đổi. Theo thông tư mới thì sắp tới sẽ tập trung vào kiểm tra chất lượng đất, ô nhiễm đất của đất nông nghiệp, còn đất phi nông nghiệp chỉ tập trung vào đánh giá tiềm năng mà thôi”. TS Lương Đức Toàn cho biết. (Còn nữa)

Nguồn: https://nongnghiep.vn/kham-tong-the-suc-khoe-dat-bai-5-suc-khoe-dat-cua-tinh-phu-yen-va-bac-ninh-d409185.html