Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 7] Sức khỏe đất Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Đông Nam bộ
17-12-2024Lượt xem:
13
Đất có tốt thì năng suất, chất lượng nông sản mới tốt.
Theo TS. Nguyễn Văn Đạo - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất - Viện TNNH, một loại đất cho năng suất cây trồng thấp, khi bón nhiều phân cũng không cải thiện lắm về năng suất. Vấn đề ở đây là gì? Đó là khả năng hấp thụ dinh dưỡng, có thể do cấu trúc đất, vi sinh vật, độ pH không tạo ra môi trường tốt để giữ được dinh dưỡng và làm cho cây trồng hút được dinh dưỡng.
Tuy nhiên để đánh giá được cụ thể sức khỏe của một loại đất là yếu thì phải nghiên cứu sâu, cần xác định chỉ số nào là quan trọng và phân ngưỡng xem bao nhiêu. Có thể đối với cây trồng này thì đất đó là kém nhưng với cây trồng kia thì đất đó lại bình thường.
Khái niệm sức khỏe đất ở Việt Nam cũng mới nổi lên gần đây chứ trước đây chỉ đánh giá độ phì theo kiểu giàu, nghèo và trung bình, không đánh giá cụ thể vấn đề thực sự ở đó là gì khiến cho năng suất, cây trồng trên đất ấy bị ảnh hưởng.
Vừa rồi TS. Đạo có nghiên cứu đánh giá chất lượng đất cho tỉnh Nghệ An, một số huyện của tỉnh Thanh Hóa và 6 tỉnh vùng Đông Nam bộ. Đối với Nghệ An, tỉnh này muốn Viện Thổ nhưỡng Nông hóa kiểm tra chất lượng của toàn bộ các loại đất nông nghiệp, tuy nhiên do diện tích quá rộng, họ không đủ kinh phí và cũng không đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Bởi thế Nghệ An chọn kiểm tra riêng đất lúa vì có Nghị định 35 về quản lý và sử dụng đất lúa của Chính phủ, qua đó được nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi ha một năm, các tỉnh được dùng 50% số tiền đó cộng với một phần tiền đền bù khi chuyển từ đất lúa sang các loại đất khác để chi cho việc kiểm tra chất lượng đất.
Đất lúa ở Nghệ An có 3 vùng chính, vùng núi cao giáp Lào và Thanh Hóa diện tích nhỏ, năng suất thấp, chất lượng đất kém; vùng trung du năng suất rất cao, có những huyện năng suất lúa lên tới 68 - 70 tạ/ha như Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Tân Kỳ, chất lượng đất khá tốt, có thể do được bổ sung trung, vi lượng từ miền núi rửa trôi về; còn vùng ven biển chủ yếu là đất cát, chất lượng kém, nên năng suất lúa chỉ trung bình, tuy nhiên lại rất thích hợp cho trồng lạc. Như ở huyện Diễn Châu năng suất, chất lượng của lạc sen, lạc đỏ rất cao. Không phải loại đất nào kém dinh dưỡng cũng kém với tất cả các cây trồng. Ở Nghệ An các nhà khoa học không có dữ liệu để so sánh với chất lượng đất trước đây mà chỉ đánh giá thực trạng của nó.
Ở Đông Nam bộ có đề tài cấp bộ nghiên cứu cho vùng đất xám bạc màu, xem những yếu tố nào trong đó có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng chủ lực như hồ tiêu, điều, mía, cây ăn quả, sắn, lúa và rau. Để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng (yếu tố hạn chế), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phân tích các chỉ số lý, hóa học của đất rồi xử lý thống kê xem yếu tố nào ảnh hưởng mạnh, ảnh hưởng yếu và thứ tự ảnh hưởng ra sao, sau đó làm các mô hình để bổ sung các yếu tố bị thiếu trong đất.
Do đề tài nghiên cứu chỉ trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ năm 2020, kết thúc năm 2023 nên không có điều kiện để theo dõi dài hạn, làm thí nghiệm nhiều năm để đúc kết, khẳng định cây này cần bổ sung thêm chất gì vào đất.
Kết quả nghiên cứu của đề tài bước đầu cũng đã xác định được các yếu tố hạn chế trong đất xám bạc màu đối với các cây trồng chủ lực như: 1) Đối với cây hồ tiêu: pHKCl, chất hữu cơ, CEC, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu, canxi trao đổi, magie trao đổi, bo, đồng và kẽm; (2) Đối với cây điều: pHKCl, chất hữu cơ, đạm tổng số, canxi trao đổi và magie trao đổi, kali tổng số, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu, dung tích hấp thu, bo và kẽm; (3) Đối với cây sắn: pHKCl, chất hữu cơ, đạm tổng số, kali dễ tiêu, magie trao đổi, và kẽm và molipden;
(4) Đối với cây mía: pHKCl, chất hữu cơ, đạm tổng số, kali tổng số, kali dễ tiêu, magie trao đổi, kẽm và mangan; (5) Đối với cây lúa: pHKCl, đạm tổng số, kali dễ tiêu, magie trao đổi, mangan và molypden; (6) Đối với cây rau: pHKCl, đạm tổng số, kali dễ tiêu, magie trao đổi, bo và mangan; (7) Đối với cây bưởi: độ chua pHKCl, CEC, đạm tổng số, kali tổng số, kali dễ tiêu, canxi trao đổi và magie trao đổi, molypden và mangan...
TS. Nguyễn Minh Hưng - Trưởng phòng Khoa học và HTQT - Viện TNNH cho biết, cách đây hơn 15 năm đơn vị có đề tài đánh giá chất lượng của đất mặn, đất phèn ở miền Nam sau 30 năm sử dụng. Khi so số liệu để đánh giá sự biến động về chất lượng, số lượng đất mặn, đất phèn tương đối nan giải vì có khác biệt về các chỉ tiêu/phương pháp phân tích giai đoạn đó và hiện nay. Sau đó Viện đã làm đề tài nghiên cứu về đất xám bạc màu ở miền Bắc, tiếp đến là đề tài tài nghiên cứu về đất xám bạc màu ở Đông Nam bộ nhưng chủ yếu là nghiên cứu hiện trạng chứ không có số liệu để so sánh với trước đây như đề tài về đất phèn...
Từ những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy khi đất có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, sâu bệnh của cây trồng, vi sinh vật tổng số không nhiều nhưng nhóm có ích, nhóm đối kháng giảm mạnh hơn, còn nhóm bệnh hại như nấm hại, vi khuẩn hại tăng lên. Mọi thứ cũng chỉ mới dừng lại ở đó bởi không còn nghiên cứu cơ bản, không có những người có điều kiện để làm chuyên sâu về một đối tượng hay nhóm đối tượng. Mà những nghiên cứu về sinh học ấy chỉ là một nội dung nhỏ trong một đề tài nên phần nào chưa làm rõ được mối tương quan giữa sinh học, vật lý và hóa học đất. (Còn nữa).