Tin Tức

Trang chủ

"Khám sức khỏe” cho đất, phục vụ chuyển đổi cây trồng

21-04-2025 Lượt xem: 63

Cán bộ ở Viện Thổ nhưỡng đang tiến hành lấy mẫu đất ở huyện Tuy An để phân tích.

Thực hiện đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên”, thời gian qua Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tiến hành điều tra, thu thập thông tin để "khám sức khỏe tổng quát” cho đất, thông qua thu thập các loại thông tin, lấy mẫu đất để phân tích và xây dựng phần mềm trực tuyến - WebGIS - quản lý đất sản xuất, đất nông nghiệp; xây dựng mô hình sử dụng đất và phân bón hợp lý cho cây lúa, cũng như đề xuất các giải pháp sử dụng đất và phân bón có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Phú Yên…

Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa xoay quanh vấn đề này.

* Vì sao hiện nay các tỉnh, thành, trong đó có Phú Yên đặt hàng với Viện Thổ nhưỡng nông hóa để "kiểm tra sức khỏe” của đất sản xuất nông nghiệp, thưa phó giáo sư?

- Gần đây một số tỉnh, thành đã bắt đầu quan tâm đến “sức khỏe đất”, trong đó có Phú Yên. "Sức khỏe của đất" có thể được định nghĩa là trạng thái tối ưu của các chức năng sinh học, vật lý và hóa học của đất hay khả năng của đất để duy trì năng suất, sự đa dạng và các dịch vụ môi trường của các hệ sinh thái trên cạn… Trước đây, chúng ta chỉ hay nhắc đến khái niệm chất lượng đất (dựa trên các số liệu phân tích lý, hóa, sinh), nhưng giờ cần phải quan tâm đến đất như một cơ thể sống với các chức năng tổng hợp, hay “sức khỏe đất”.

Vì đất là tư liệu sản xuất đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, nên trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định liên quan đến quản lý chất lượng đất đai phục vụ phát triển KT-XH như: Luật Đất đai (2024), Luật Trồng trọt (2018), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Nghị định 35/2015/NĐ-CP, Nghị định 62/2019/NĐ-CP, các thông tư về điều tra, đánh giá chất lượng đất của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên & Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), và gần đây nhất là Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt (ngày 11/10/2024), trong đó có nhấn mạnh đến việc cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất trồng trọt và cần phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) về chất lượng các loại đất chính để có các giải pháp quản lý và sử dụng hợp lý.

Lý do cần phải quan tâm đến “sức khỏe” đất là sau thời gian dài thâm canh tăng năng suất, do sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đất đang bị thoái hóa, sức sản xuất của đất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần. Đa số nông dân sống dựa vào đất, muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững, thì phải có đất khỏe. Đất khỏe là nền tảng để có cây khỏe, hệ sinh thái khỏe và đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nông dân mới khỏe được.

Trong suốt thời gian dài, chúng ta ít quan tâm đến đất sản xuất nông nghiệp, không đánh giá định kỳ chất lượng đất, độ phì nhiêu đất. Do vậy chưa có biện pháp bảo vệ và cải tạo đất thật sự phù hợp cho từng loại đất, của từng tiểu vùng sinh thái. Mặt khác, việc thâm canh chạy theo năng suất, sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học và ít dùng phân hữu cơ là một trong những nguyên nhân, bên cạnh những tác động của biến đổi khí hậu, đã làm đất bị thoái hóa.

* Thưa phó giáo sư, chất lượng đất kém ảnh hưởng ra sao tới cây trồng?

- Đầu tiên là khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm, mất cân đối với cây nên phải bón nhiều phân mới cho năng suất. Việc khuyến cáo sử dụng phân bón hiện nay chưa tính nhiều đến khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây, do vậy chưa phù hợp, làm tăng chi phí sản xuất và tác động xấu đến môi trường.

Thoái hóa đất thường gây mất cân đối dinh dưỡng, khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm khiến nông dân phải bón nhiều phân hóa học mới đạt được năng suất mong muốn, do vậy càng gây thoái hóa đất, nhất là việc sử dụng nhiều phân đạm không chỉ tăng chi phí, mà còn ảnh hưởng đến môi trường đất (làm đất chua), gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đến nước ngầm và phát thải khí nhà kính. Giải pháp cho việc này là phải bón phân dựa vào tính chất đất (khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất) và nhu cầu của cây trồng, cùng với đó là bón cân đối giữa phân bón vô cơ với hữu cơ để tăng hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ.

Các thông tin về đất đai không chỉ giúp chúng ta định hướng sử dụng phân bón hợp lý, mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong sản xuất. Ví dụ tại Phú Yên, mọi người có hỏi chúng tôi tại sao cùng một giống xoài ở cao nguyên Vân Hòa có những dải đất cây ra hoa, nhưng không đậu quả được. Trả lời được câu hỏi đó không dễ vì liên quan đến nhiều yếu tố tác động, nhưng dựa vào các điều tra đánh giá đất đai thì ít nhất cũng có thể loại trừ được một số yếu tố tác động và có định hướng nghiên cứu yếu tố tác động chính xác hơn…

* Vậy theo phó giáo sư, đề tài Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Yên mà Viện Thổ nhưỡng nông hóa đang thực hiện tại Phú Yên có ý nghĩa như thế nào?

- Mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được bộ CSDL số và công cụ trực tuyến quản lý, chia sẻ CSDL về đất sản xuất đất nông nghiệp tỉnh Phú Yên; đồng thời đề xuất được giải pháp sử dụng bền vững đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh Phú Yên trong thời gian đến. Trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, xây dựng được Bộ CSDL số về đất nông nghiệp tỉnh Phú Yên. Bộ CSDL này gồm: CSDL không gian, bao gồm các loại bản đồ (hiện trạng sử dụng đất, thổ nhưỡng, chất lượng đất đai, mức độ thích hợp đất đai…) được số hóa trên nền VN 2000, tỉ lệ 1/10.000 cho cấp xã, 1/25.000 cho cấp huyện và 1/50.000 cho cấp tỉnh); CSDL phi không gian, gồm các tư liệu, thông tin có liên quan đến chất lượng đất, đề xuất sử dụng phân bón…

Hiện nhóm nghiên cứu đã xây dựng xong bộ CSDL đất (cả không gian và phi không gian) chi tiết đến từng xã, phường của các địa phương trong tỉnh và đang chạy thử nghiệm phần mềm trực tuyến (WebGIS) quản lý bộ CSDL đất sản xuất, đất nông nghiệp, đồng thời đang xây dựng mô hình sử dụng đất và phân bón hợp lý cho cây lúa dựa trên các khuyến cáo từ bộ CSDL trực tuyến.

 

Việc tổng điều tra, đánh giá chất lượng đất và hoàn thiện CSDL đất đai cho toàn tỉnh ở quy mô lớn là rất cần thiết. Khi CSDL về đất đai được hoàn thiện thì đây là một phần không thể thiếu giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và làm cơ sở phục vụ cho việc cấp mã số vùng trồng.

PGS.TS Trần Minh Tiến

 

Việc nghiên cứu xây dựng được Bộ CSDL số về đất nông nghiệp tỉnh Phú Yên sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là trong xu thế chuyển đổi số hiện nay. Các cấp quản lý sẽ thiết lập hệ thống CSDL đầy đủ, khoa học, chính xác về tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp, đây là một trong những nền tảng quan trọng trong việc hoạch định chính sách, cũng như thực hiện cải cách hành chính thông qua việc tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, rút ngắn thủ tục xác minh thông tin dữ liệu hiện nay còn phân tán, thiếu đồng bộ. Lưu trữ, quản lý và sử dụng, hệ thống CSDL không gian (bản đồ) về tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ được tư liệu hóa và lưu trữ dưới dạng online và được tích hợp với website của Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Môi trường…

Bên cạnh đó, người dân được cung cấp các thông tin chi tiết về các đặc tính đất đai tại thửa ruộng mình đang canh tác, có được khuyến cáo sử dụng phân bón tương đối khoa học theo diện tích, cây trồng và đặc điểm thổ nhưỡng, từ đó có thể giảm chi phí do đầu tư phân bón phù hợp, không chỉ tăng năng suất và chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ biết được những cây trồng phù hợp với đặc thù đất đai của Phú Yên để có thể định hướng kinh doanh, sản xuất; dự trù được nhu cầu sử dụng phân bón theo mùa vụ với cây trồng để có thể điều tiết việc thu mua phân bón chủ động.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông sẽ có được một công cụ, địa chỉ để cung cấp thông tin và trực tiếp chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo sử dụng phân bón cho bà con thuận lợi, nhanh chóng...

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

Nguồn: https://baophuyen.vn/khoa-giao/202504/kham-suc-khoe-cho-dat-phuc-vuchuyen-doi-cay-trong-ba75867/