Khởi động nhiệm vụ CDĐL cho sản phẩm bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn
25-07-2022Lượt xem:
412
Sáng ngày 23/06/2022, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Kạn và UBND Huyện Ba Bể tổ chức Hội nghị Khởi động nhiệm vụ: “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn”. Nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, do Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì. Thời gian thực hiện: 30 tháng (từ tháng 4/2022- tháng 9/2024).
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện Thổ nhưỡng Nông hoá - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ.
Về phía tỉnh Bắc Kạn có đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các UBND, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Pắc Nặm; đại diện UBND các xã huyện Ba Bể, đại diện các hợp tác xã, các hộ dân sản xuất và kinh doanh bí xanh thơm huyện Ba Bể. Ngoài ra còn có đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bắc Kạn tới tham dự và đưa tin hội nghị.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ được Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, đơn vị chủ trì tổ chức nhằm giới thiệu các nội dung của nhiệm vụ tới các cơ quan, ban ngành của tỉnh, đồng thời xác định các hoạt động với từng cơ quan phối hợp tại địa phương trong các giai đoạn thực hiện của nhiệm vụ.
Đài phát thanh – truyền hình Bắc Kạn đưa tin hội nghị
Bí xanh thơm là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. khác với các giống bí trồng ở các nơi khác đó là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Ban đầu bí xanh thơm chỉ được trồng chủ yếu ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể, nhưng với những đặc điểm riêng biệt, ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bí xanh thơm được trồng ra các xã Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu và Thượng Giáo,... huyện Ba Bể và một số xã ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Pắc Nặm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng gần 200 ha bí xanh thơm, sản lượng đạt hơn 7.000 tấn, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể đã đạt được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch và được công nhận là sản phẩm 3 sao. Hiện đã có 03 ha bí xanh thơm được cấp chứng nhận VietGAP
Mục tiêu chung của nhiệm vụ Đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn và thiết lập được mô hình quản lý sản phẩm mang CDĐL theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng. Trên cơ sở đó giúp bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, khai thác và phát triển thị trường tiêu thụ để tăng giá bán, tạo thêm giá trị gia tăng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Văn Thế, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Thế, Phó gám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh việc sản phẩm Bí xanh Thơm Bắc Kạn được cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Đây cũng là cơ hội tập hợp các hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh doanh nhỏ lẻ thành một khối thống nhất, có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị gia tăng cũng như mở rộng thị trường, qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Ông Trung Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể phát biểu tại hội nghị
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ và đóng góp cho các hoạt động của nhiệm vụ, đặc biệt là đại diện các địa phương, các hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm bí xanh thơm trong việc Tạo điều kiện giúp đỡ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại: tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, hội nghị khách hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm.