Tin Tức

Trang chủ

Phân đa yếu tố cho chè VietGAP

02-08-2019 Lượt xem: 327
NNVN - Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Cty Phân lân Nung chảy Văn Điển và Cty Tam Nông vừa phối hợp tổ chức buổi Hội thảo đánh giá tác dụng của phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển và chế phẩm sinh học Tam Nông trong SX chè an toàn tại tỉnh Phú Thọ. Từ những đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các nhà khoa học, cho thấy ngành SX chè của Việt Nam còn rất nhiều bất cập cần tháo gỡ.
LẠM DỤNG HÓA CHẤT

Chắc hẳn dư luận chưa quên vụ việc người dân tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang trộn bột sắn, xi măng, đất cát vào chè rồi vô tư bán ra thị trường cách đây không lâu. Mặc dù không đến mức nghiêm trọng như sự việc trên, nhưng các nhà khoa học khẳng định, việc người làm chè đã và đang lạm dụng quá nhiều hóa chất cũng gây nguy cơ nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

PGS.TS Mai Quang Vinh - Viện KHNN Việt Nam cho hay, canh tác chè tại nước ta trong thời gian qua do sử dụng lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học với mật độ quá lớn và trong thời gian quá dài, đặc biệt là bón quá nhiều đạm urê lên lá để rút ngắn thời gian thu hái đã làm cây chè bị suy thoái, tăng nguy cơ dư lượng chất độc hại trong sản phẩm, khiến chất lượng chè giảm mạnh. Không chỉ vậy, đất đai vùng chè từ đó cũng bị suy kiệt dinh dưỡng, độ chua và bạc màu tăng cao ảnh hưởng lâu dài đến quy hoạch vùng SX chè an toàn.

Nhưng điều khiến các nhà khoa học lo lắng hiện nay là một bộ phận cán bộ và đại đa số bà con nông dân đang hiểu sai quy trình bón phân cho cây chè, dẫn tới lạm dụng loại hóa chất này. Thông thường, cây trồng sau mỗi vụ thu hoạch hút đi từ đất tới 20 nguyên tố hóa học, nhưng trong các hướng dẫn khuyến nông hiện nay chủ yếu khuyến cáo người dân cân đối 3 loại dinh dưỡng đa lượng là N (đạm), P (lân) và K (kali) mà rất ít khi đề cập tới các yếu tố trung lượng và vi lượng vô cùng quan trọng khác như: Mg (magiê), Si (silic), Zn (kẽm), Fe (sắt), Cu (đồng)…

Đặc biệt, địa hình canh tác cây chè chủ yếu là đồi núi dốc nên các khoáng chất hay bị rửa trôi vào mùa mưa và bị khoáng hóa vào mùa khô nên đất ngày càng nghèo dinh dưỡng do ít được bổ sung phân chuồng, phù sa… Thực tại đã chứng minh, toàn tỉnh Phú Thọ có trên 15.000 ha chè thì hầu hết đều cho năng suất rất thấp khoảng 6 tấn/ha. Mà một trong những nguyên nhân chính góp phần khiến năng suất, chất lượng cây chè của Phú Thọ lẹt đẹt như vậy là do thói quen bóc lột đất trồng chè trong thời gian quá dài.

BÓN PHÂN NPK LÀ CHƯA ĐỦ

Nghiên cứu về cây chè từ những năm 1980 đến nay, Viện phó Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc, TS. Đỗ Văn Ngọc cho rằng, cây chè cần rất nhiều loại chất chứ không chỉ riêng NPK. Do thói quen canh tác từ thời bao cấp, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng là nguyên nhân khiến chất lượng chè Việt Nam đuối sức trên thị trường quốc tế như hiện nay.

Hiện 1 kg chè của Việt Nam bán 1,3 USD nhưng các nước khác là 1,8 USD. Theo ông Ngọc, giờ đã đến lúc quan tâm đến chất lượng sản phẩm và môi trường bền vững. Tuy nhiên, ông Ngọc khuyến cáo mỗi một loại phân phải nhắm đến một loại chè khác nhau, một thị trường khác nhau để đạt hiệu quả cao và tránh lãng phí. Ví dụ, SX chè xanh tại Thái Nguyên, Lai Châu, Lâm Đồng… cần một loại phân nhất định; SX chè ô long cần một loại phân khác và SX chè đen tại Phú Thọ, Tuyên Quang lại có loại phân riêng.

“Bộ NN-PTNT đã công nhận 15 giống chè khác nhau. Các địa phương cần xác định thị trường nào để SX loại chè cho phù hợp rồi từ đó chọn loại phân tốt nhất, chứ không thể giống chè nào cũng bón phân giống nhau theo kiểu cào bằng như trước được. Có như vậy, chất lượng sản phẩm mới tăng lên và chúng ta mới có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Để giúp bà con hiểu rõ hơn công dụng, thành phần của phân đa yếu tố, ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ, phân đa yếu tố NPK Văn Điển là loại phân đa chất, ngoài chất dinh dưỡng chính còn có các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho cây trồng và giúp cải tạo đất như vôi, magiê, silic, đồng, kẽm… Lân Văn Điển có tính kiềm không độc hại, không tan trong nước mà chỉ tan trong môi trường axit do rễ cây tiết ra nên khi bón xuống đất không bị rửa trôi, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng từ đầu vụ đến cuối vụ.

“Hiện Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chúng tôi đang cung cấp cho thị trường trên 16 công thức phân bón cho tất cả các giống chè trên các vùng vùng thổ nhưỡng khác nhau. Chúng tôi cam kết các công thức phân bón đa yếu tố Văn Điển đều chứa đầy đủ tất cả các yếu tố đa lượng: N, P, K; trung lượng: Ca, Mg, Si, S và vi lượng: Mn, Mo, Co, Zn, B, Cu… Chính vì vậy gần như tất các các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng và đất đều có trong phân lân Văn Điển”, ông Hoàng Văn Tại - TGĐ Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển nhấn mạnh.

Đặc biệt, phân lân Văn Điển có khả năng thích hợp với các vùng đất chua, trũng, lầy thụt, đồi dốc không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng mà còn thau chua rửa mặn, làm tơi xốp đất. Đánh giá chất lượng, hiệu quả của việc sử dụng phân đa yếu tô Văn Điển trong SX chè VietGAP, bà Trần Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN- PTNT tỉnh Phú Thọ) cho biết, trong 23.000 tấn phân đa yếu tố chuyên dụng chè do Cty Phân lân Văn Điển cung ứng ra thị trường thì Cty Chè Phú Đa (Thanh Sơn), Phú Bền (Thanh Ba) của tỉnh Phú Thọ tiêu thụ đến 61%. Do thường xuyên bón phân chuyên dụng Văn Điển, năng suất chè thường cao hơn 2 - 3 lần so với các hộ dân xung quanh bón phân theo thói quen cũ; hàm lượng chất khô, hương vị được cải thiện rõ rệt, có lợi cho nông dân và cả phía DN chế biến.

Tuy nhiên, bà Thủy đề nghị phía Cty Phân lân Văn Điển cần tổ chức nhiều hơn nữa những mô hình thí điểm ứng dụng phân bón đa yếu tố cho cây chè bởi bà con nông dân phải khi nào mắt thấy, tai nghe, tay sờ họ mới tin và làm theo, chứ nhiều khi sản phẩm tốt thật nhưng chỉ nói không thôi thì chưa đủ.