Tin Tức

Trang chủ

Nên hay không đưa cây biến đổi gen xuống ruộng?

02-08-2019 Lượt xem: 437

ĐẤT VIỆT - Những tranh luận trái chiều của các nhà khoa học, chuyên gia giữa việc có hay không đưa cây trồng biến đổi gene (BDG) trên diện rộng xuống đồng ruộng, những mặt lợi và nguy cơ tiềm ẩn đã làm “nóng” hội trường của buổi tọa đàm về sinh vật/cây trồng biến đổi gene ở Việt Nam.

 Không nên trồng cây biến đổi gene vào năm 2012
Tọa đàm do “Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội.
Nhiều công ty giống nước ngoài đang cổ vũ rất nhanh để mở rộng trồng ngô BĐG vào sàn xuất. Nếu làm như vậy sẽ có những nguy hiểm. Viện nghiên cứu ngô Việt Nam và các công ty giống Việt Nam cần phải nắm được quyền chỉ đạo của chương trình ngô Việt Nam.

Sử dụng ngô BĐG ở Việt Nam hoàn toàn không phải là cây “đũa thần” để giải quyết đưa nhanh tổng sản lượng ngô ở Việt Nam lên nhanh là một bài toán tổng hợp rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Hiện cây trồng BĐG (đối với 3 cây trồng gồm ngô, đậu tương, bông) là thành tựu khoa học và công nghệ sinh học quan trọng. Hiện trên thế giới có khoảng 25 nước thử nghiệm hoặc sản xuất thử các cây trồng BĐG.

Ở Châu Á, Ấn Độ trồng 8,4 triệu ha bông GMO; Trung Quốc 3,7 triệu ha bông, cà chua, đu đủ, mía và trồng thử nghiệm ngô GMO; Philipin trồng 0,5 triệu ha ngô GMO (chiếm 19% diên tích trồng ngô toàn quốc 0,5/2,7 triệu ha). Các nước khác ở Châu Á đều ở dạng trồng thử nghiệm.

Việc đưa 3 cây trồng biến đổi gene (ngô, đâu tương và bông) vào sản xuất, xem ra chỉ có bông được hoan nghênh, ngô và đậu tuơng còn rất thận trọng ở các nước Châu Á vì nó là lương thực, thực phẩm cho con người và thức ăn gia súc cũng liên quan đến thực phẩm đối với con người. Chính vì vậy, mà các nước phải rất thận trọng việc sản xuất mở rộng trong trồng ngô và đậu tương BĐG.

Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng lên 3 độ C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (năm 2007), Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhấn chìm 4,4% lãnh thổ nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ… Vì vậy, cây trồng BĐG là đối tượng cây trồng có thể khắc phục trong hoàn cảnh khó khăn này, đảm bảo an ninh lương thực.

Trong khi đó cây trồng BĐG sẽ giúp tăng sản lượng (kg/ha) và tăng thu nhập. Giúp chi phí sản xuất rẻ đồng nghĩa với người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với lương thực.
Trông khảo nghiệm Ngô biến đổi gene.
 
Tính toán ở góc độ tác động đối với môi trường và thay đổi khí hậu tại Bắc Mỹ và La Tinh, cây trồng BĐG sẽ giúp giảm các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Giảm 356.000 tấn thuốc trừ sâu từ 1996 đến 2008 – giảm 8%; Chỉ trong năm 2008 đã giảm 34.000 tấn – giảm 10% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng. Giảm 14 tỉ kg C02 năm 2008 – đóng góp tích cực hạn chế thay đổi khí hậu, tương đương với loại bỏ 7 triệu xe ôtô. Góp phần xóa bỏ nạn đói cho 13 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ trong năm 2009 ở Trung Quốc (7,0 triệu), Ấn Độ (5,6 triệu) và ở Philippines, Nam Phi và 14 nước đang phát triển khác.

Hiện các khảo nghiệm về cây trồng BĐG được quản lý ngặt nghèo và có thể khẳng định các nhà khoa học tự tin quản lý rủi ro vì vậy có thể áp dụng trên diện rộng cây trồng này.

Bà Lê Thị Phi Vân, Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: Phát triển cây biến đổi gene chỉ càng làm cho nông dân phụ thuộc hơn vào các công ty giống.

Cây trồng biến đổi gene không làm tăng năng suất đáng kể, không giúp giảm chi phí và cũng không an toàn với môi trường, với sức khỏe con người như những gì ngành công nghệ sinh học tuyên truyền.

Vấn đề về năng suất nông sản của Việt Nam không giống như của Mỹ nên trước mắt cây biến đổi gene chưa phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi thay thế nhập khẩu, càng không phải là giải pháp tốt để giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Phát triển cây biến đổi gene chỉ càng làm cho nông dân phụ thuộc hơn vào các công ty giống, trong khi các công ty giống sẽ có khả năng kiểm soát cả về kinh tế và chính trị mục tiêu thu hút đầu tư vào khâu giống cây trồng.

Hiện tại, hàng năm Việt Nam trồng khoảng 1 triệu ha ngô, cho sản lượng khoảng 4,4 triệu tấn và nhập khoảng 1,6 triệu tấn. Khả năng mở rộng thêm diện tích là rất ít vì ở những diện tích còn lại ngô khó cạnh tranh nổi với cây trồng khác.

Giả sử ngô BĐG sẽ được trồng thay thế trên 50% diện tích ngô truyền thống như kỳ vọng thì muốn thay thế nhập khẩu, năng suất bình quân của GM phải cao hơn ngô thường ít nhất 2 lần. Đây là một việc khó nếu không nói là không thể. Khảo nghiệm trên diện rộng giống ngô chuyển gene 30Y87H của công ty Pioneer tại 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đăk Lăk và Đồng Nai cho thấy, tại những điểm có áp lực sâu tự nhiên lớn như Vĩnh Phúc, giống ngô chuyển gen có năng suất cao hơn từ 17 – 35%.

Tại Đồng Nai, nơi áp lực sâu đục thân thấp, năng suất của ngô biến đổi gene không khác biệt (7,4 và 7,7 tấn/ha) . Mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng khảo nghiệm ở Sơn La cũng cho thấy năng suất ngô biến đổi gen không cao hơn năng suất ngô lai, thậm chí sâu bệnh ở các ruộng ngô biến đổi gen còn có phần nhiều hơn.

Các giống ngô lai truyền thống ở những vùng có điều kiện thâm canh tốt ở Sơn La cũng đã đạt năng suất từ 8 đến 10 tấn, thậm chí có nơi đạt 12 tấn/ha.

Ngay cả ở những vùng mà năng suất có khác biệt như Vĩnh Phúc, mức tăng năng suất như vậy sẽ không thể bù đắp cho mức tăng giá giống lên tới ít nhất 2 lần. Thực tế cho thấy, với mức độ sâu gây hại tối thiểu việc giảm tác hại của sâu trên ngô nhỏ hơn chi phí gia tăng của giá giống . Nói cách khác, ở những vùng mà sâu bệnh không phải là vấn đề lớn thì việc đưa ngô biến đổi gene vào là không có ý nghĩa về kinh tế.

Ngoài những vấn đề kể trên, cây trồng biến đổi gene đòi hỏi trình độ kỹ thuật và chi phí cao hơn trong khi phần khá lớn diện tích ngô hiện đang được trồng ở các vùng cao, nơi trình độ dân trí và khả năng tiếp thu khoa học công nghệ cũng như năng lực tài chính còn rất hạn chế. Nếu không có trợ cấp của chính phủ thì ngô GM tự nó cũng sẽ không dễ vào được Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam chưa nên phát triển cây trồng biến đổi gên trên diện rộng. Quan điểm chung, chúng ta không phản đối cây trồng biến đổi gene, nhưng tiếp cận với chúng như thế nào là điều cần phải thảo luận.

Trước hết chưa đủ thông tin thuyết phục, nhiều cuộc tranh luận nẩy lửa xung quanh vấn đề an toàn và giá trị của các sản phẩm BĐG đang xẩy ra. Trong tình trạng thiếu thông tin chính xác, người tiêu thụ sẽ lo ngại khi sử dụng chúng. Giới khoa học nước ta cũng chưa có những lý giải thuyết phục về ảnh hưởng của cây trồng BĐG và sản phẩm của chúng; vì vậy sẽ chưa thể ứng dụng cây trồng BĐG vào sản xuất trên diện rộng khi xã hội và cộng đồng chưa sẵn sàng chấp nhận.
 
Công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu về quản lý và giám sát GMO mới chỉ là những kết quả sơ khai ban đầu do vậy sự tuyên truyền, khuyến cáo  chưa đủ sức thuyết phục. Tư liệu phục vụ quản lý nhà nước còn nghèo, những thông tin về sử dụng sinh vật BĐG vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn đa chiều và chưa có sự thống nhất cao.

Kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT công bố tại hội thảo về thực phẩm BĐG hồi tháng 9/2007 cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn CN có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm BĐG. Mặt khác, hiện nay đã có 3 loại cây trồng BĐG là lúa, ngô và bông đang được trồng ở Việt Nam.

Trong một số giống ngô BĐG mang gene Bt được trồng lẫn với ngô bình thường tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định có hiện tượng trội gene. Điều lo ngại là các giống ngô này là do một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đưa trực tiếp cho nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Người dân tại Nam trung Bộ và Tây nguyên cũng trồng bông BĐG một cách tự phát. Điều này chứng tỏ rằng việc quản lý và giám sát cây trồng biến đổi gene cũng như sản phẩm BĐG của nước ta còn rất yếu kém, vi phạm Luật an toàn sinh học.

Do vậy, cách tiếp cận với cây trồng BĐG ở Việt Nam cần hướng theo một lộ trình phù hợp. Cần thu thập đầy đủ thông tin, phân tích đánh giá khách quan tác động  hai mặt của cây trồng BĐG và sản phẩm của chúng để hướng tới sự đồng thuận của xã hội và cộng đồng về việc sử dụng cây trồng BĐG và sản phẩm của cây trồng biến đổi gene;Tiến hành các nghiên cứu cơ bản để tạo  ra cây trồng BĐG trên một số đối tượng  được lựa chọn;Thử nghiệm, hoặc gieo trồng trên diện rộng cây trồng BĐG của một số loài như bông, cây lâm nghiệp, hoa cây cảnh nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học; Tại thời điểm này và trong vài thập niên tới, nước ta không nên gieo trồng cây BĐG của các loài lúa, ngô, đậu tương và một số cây thực phẩm khác, trong thực tế sản xuất, chúng ta đã và đang có các bộ giống của các đối tượng trên có tiềm năng về năng suất và chất lượng đảm bảo cho việc tăng tổng sản lượng lương thực quốc gia mà không tiềm ẩn các hiểm hoạ như cây BĐG, không gây ảnh hưởng bất lợi đến việc xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam.