TIA SÁNG - Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho phép trồng cây biến đổi gien. Bên cái lợi to lớn nhờ năng suất cao do cây biến đổi gien mang lại, Việt Nam phải chuẩn bị để đối phó với tình hình mới: độc quyền về giống của các hãng hạt giống nước ngoài, và thuyết phục thị trường nước ngoài chấp nhận thủy sản xuất khẩu có liên quan đến thức ăn biến đổi gien xuất của Việt Nam.
Bước vào thế kỷ 21, trong khi diện tích nông nghiệp ngày một giảm vì quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa thì dân số thế giới đã gia tăng, buộc nông thôn phải sản xuất một lượng lương thực nhiều gấp đôi để nuôi 8 tỷ người vào năm 2025, nhiều gấp ba để nuôi 10 tỷ người vào năm 2050. Trong tình hình đó kỹ thuật biến đổi gien ra đời như một cứu cánh, tiếp nối bước nhảy vọt của cuộc “cách mạng xanh” với kỹ thuật tạo giống Mendel của thế kỷ trước. Kỹ thuật biến đổi gien không những tăng năng suất và chất lượng cây trồng (nhờ chống sâu bệnh hại, chống khí hậu nóng lạnh, chống thuốc cỏ dại, kéo dài thời gian tồn trữ) mà còn cải thiện được môi trường (giảm lượng sử dụng hoá chất và thuốc BVTV, giảm lượng phân bón), bảo vệ sức khoẻ của nông dân (ít tiếp cận với hoá chất và thuốc BVTV).
Mỹ châu và Á châu là hai châu lục trồng nhiều cây biến đổi gien nhất. Mỹ châu có Mỹ (66,8 triệu ha), Brazil (25,4 triệu ha), Argentina (22,9 triệu ha), Paraguay (2,6 triệu ha), Uruguay (1,1 triệu ha). Ở Á châu có Ấn Độ (9,4 triệu ha), Trung Quốc (3,5 triệu ha), Pakistan (2,4 triệu ha), Philippines (0,5 triệu ha) và Myanmar (0,3 triệu ha). Trong nhóm các nước trồng cây biến đổi gien, chỉ có Mỹ và Canada là hai nước tiên tiến, còn các nước kia đều là những nước đang phát triển. Âu châu, Nhật Bản, và phần lớn các nước ở Phi châu ngoại trừ Nam Phi (2,2 triệu ha) có vẻ không mặn mà lắm với cây biến đổi gien (Hình 1).
Tuy chỉ có hơn 40 loại cây được biến đổi gien được phóng thích nhưng chúng đã có mặt trong 30.000 loại thực phẩm được bày bán trong các siêu thị Mỹ, từ thức ăn trẻ em, chocolate, khoai tây chiên, đến các món mì Ý, pasta, bánh ngọt, bánh mì. Ở Mỹ, đậu tương biến đổi gien chiếm 89% tổng diện tích canh tác, bông vải (83%), cải dầu (75%), ngô (60%), đu đủ (>50%), sau đó mới có một ít các giống bắp ngọt, cà chua, củ cải đường, đậu Hà lan, đu đủ, mật, mía, sữa (khoảng 22% bò nuôi ở Mỹ đều được ghép gien hóc môn tăng trưởng rbGH), thuốc lá, thịt (thịt và sản phẩm từ sữa của những động vật được nuôi bằng thức ăn biến đổi gien cũng được xếp vào nhóm thức ăn biến đổi gien). Trong tương lai sẽ có thêm “cây thuốc biến đổi gien” ví dụ như gạo chứa Vitamin A, chuối chứa vắc xin chống bệnh Hepatitis B.
Những kết quả thu được sau khoảng mười lăm năm nghiên cứu và trồng cây biến đổi gien cho thấy:
1. Chưa có gien năng suất cao cho cây biến đổi gien. Ở Mỹ, năng suất cây biến đổi gien chỉ cao khi so sánh với cây bình thường không phun xịt (để chống cỏ dại hoặc sâu bệnh hại). Nếu cây bình thường cũng được phun xịt thì năng suất cây biến đổi gien không hơn cây bình thường. Tuy nhiên khi tổng kết tất cả các nghiên cứu về cây biến đổi gien trên thế giới cho đến năm 2010, người ta thấy trong khi năng suất cây biến đổi gien ở các nước tiên tiến chỉ tăng 6%, thì ở các nước đang phát triển năng suất cây biến đổi gien tăng đến 29% (Wikipedia).
2. Có sự lai tạp giữa cây biến đổi gien và giống cùng họ. Giống hướng dương lai tạp đã sản xuất hạt nhiều hơn 50% giống thương phẩm và không bị thuốc diệt cỏ Round Up khống chế. Nghiên cứu trên giống RR cải dầu cũng có kết quả như vậy. Do đó giống cỏ lai tạp sẽ trở thành “siêu cỏ dại - super weed” vì nó chống luôn cả Round Up (Alison Snow et al., Ohio University, Mỹ).
3. Giống và bản quyền về giống: Giống cây biến đổi gien được đăng ký bản quyền trên gien chứ không trên giống nên chỉ cần có bản đồ DNA là truy nguyên được nguồn gốc. Công ty Monsanto (Mỹ) có một tiến trình chặt chẽ trong việc bán và quản lý giống của họ. Nông dân nào muốn trồng giống biến đổi gien thì phải ký hợp đồng mua hạt giống với công ty. Vụ Monsanto-Canada kiện nông dân Schmeiser ở Canada năm 2004 là một dẫn chứng nói lên sự cứng rắn trong việc bảo vệ quyền lợi của công ty.
4. Truy nguyên nguồn gốc: Ở Mỹ và Canada, chính phủ không yêu cầu dán nhãn. Nhưng ở các nước khác như Âu châu, Nhật, Úc, New Zealand và ngay cả ở Malaysia, đều có luật buộc phải dán nhãn để khách hàng biết nguồn gốc của sản phẩm có hay không có sự hiện diện của cây biến đổi gien.
5. Tác dụng của gien biến đổi: Ở cây biến đổi gien, hể cấy gien nào thì cây khống chế được đặc tính đấy. Ví dụ chuyển gien Bt (Bacillus thuringiensis) thì cây chống được sâu đục thân Ostrinia nubilalis (Hübner) là loại sâu gây hại trên ngô, bông vải và các loại rau. Tuy nhiên sâu đục thân lại có nhiều dòng nên cũng giống đấy nhưng khi trồng ở Việt Nam không hẳn sẽ có kết quả y như ở Mỹ. Đối với giống Ngô biến đổi gien chống thuốc diệt cỏ Round Up, người ta thấy trong thực tế việc phun xịt thuốc diệt cỏ Round Up nhiều hơn gấp 5-10 lần so với bình thường (Bendrook, 1999).
Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào chứng minh thức ăn biến đổi gien là không tốt, hại cho sức khỏe của con người. Nhưng việc sử dụng thức ăn biến đổi gien lại không có sự đồng thuận rộng rãi của giới tiêu thụ trên thế giới. Vì nghi ngờ có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gien mà Mỹ đã không xuất khẩu được gạo, mất 1,2 tỷ USD vào năm 2006. Trước đây vào năm 1999 ngô của Mỹ cũng đã bị thị trường Âu châu tẩy chay vì là ngô biến đổi gien.
Việt Nam là một nước nông nghiệp và là một “đại gia” xuất khẩu nông sản. Gạo, cà phê, cao su, điều, hạt tiêu, tôm, cá tra là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng đem hàng tỷ Mỹ kim ngoại tệ về cho đất nước cho nên việc phát triển cây biến đổi gien phải được nhìn thêm từ quan điểm thương mại: khách hàng nhập khẩu nông sản của ta có chấp nhận các mặt hàng có dính dáng đến thức ăn biến đổi gien hay không. Tuy nhiên Quyết định 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.1.2006 đã khẳng định cho biết Việt Nam sẽ tham gia vào việc trồng cây biến đổi gien với một lộ trình rất rõ ràng (Giai đoạn 2006 - 2010: thử nghiệm một số giống cây trồng GM trên đồng ruộng. Từ 2011 - 2015 đưa một số giống cây trồng GM (ngô, đậu tương và bông) vào sản xuất thương mại. Đến năm 2020, diện tích một số cây trồng GM (bông, ngô, đậu tương) đạt 30 - 50%) cho nên chúng ta không bàn thêm gì khác ngoài việc đặt câu hỏi cái gì sẽ xẫy ra khi Việt Nam có sản phẩm biến đổi gien ngô, đậu tương và bông vải trồng trên 383.520- 639.200 ha?
1. Case study – Ngô: Giống và thị trường hạt giống
Cho đến năm 2020, diện tích cây trồng biến đổi gien cho bông, ngô và đậu tương của Việt Nam phải đạt 30-50%, tức là khoảng 383.520- 639.200 ha.
Vào năm 2007, Việt Nam trồng ngô trên 1,067,900 ha. Với diện tích này, chúng ta cần 21,360 tấn hạt giống. Lượng hạt giống này do các cơ sở trong nước sản xuất (17,000 tấn), nông dân tự cung cấp (2,160 tấn) và nhập khẩu (2,200 tấn). Nước ta hiện nay có khoảng 68 cơ sở sản xuất và thương mại hạt giống ngô, trong đó Viện Ngô, Viện Di truyền Nông nghiệp và một số công ty hạt giống như Cty Giống cây trồng TW, Cty Giống cây trồng Miền Nam. Những cơ sở này đã nghiên cứu, lai tạo, sản xuất hạt giống để cạnh tranh, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, mang về một doanh thu khoảng 850-1000 tỷ đồng, tương đương khoảng 40-50 triệu USD mỗi năm.
Vì cây biến đổi gien là một thành tựu của khoa học hiện đại nên Viện Ngô, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cũng đã tiếp cận với kỹ thuật này. Qua kinh nghiệm giống cà chua biến đổi gien Flavr Savr do Calgien phóng thích vào năm 1994 đã tiêu tốn đến 2.5 triệu USD vẫn không bán được vì không đáp ứng những yêu cầu nông học cho nên để có một giống biến đổi gien tốt, sử dụng đại trà có hiệu quả thì với tiềm lực khoa học và khả năng tài chính của các viện nghiên cứu Việt Nam, để thực hiện Quyết định 11/2006/QĐ-TTg cho phép thử nghiệm giống nước ngoài, khả năng chúng ta phải sử dụng giống của Monsanto, Syngenta, và Bayer CropScience là rất cao, nếu không nói là bắt buộc phải như vậy.
Monsanto là một công ty hạt giống siêu quốc gia lớn nhất thế giới, doanh thu khoảng 5 tỷ USD trong đó 87% hạt giống biến đổi gien đang trồng trên thế giới là của Monsanto (2007). Monsanto có chế độ quản lý giống độc quyền và chặc chẽ. Kinh nghiệm cho thấy ở Phi Luật Tân - quốc gia duy nhất ở Á châu rất tích cực trong việc phát triển cây biến đổi gien từ năm 2002 - tuy đã sử dụng 3 giống ngô biến đổi của Monsanto và Syngenta AG nhưng cho đến năm 2010, Phi Luật Tân vẫn chưa làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống, chỉ được cấp giấy phép cho thương mại ba giống biến đổi gien trên 256.000 ha. Nếu Việt Nam thành công trong việc phát triển 50% ngô biến đổi gien như lộ trình đã đề ra, thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 533.950 ha ngô biến đổi gien, cần khoảng 10-11.000 tấn hạt giống. Với một thời gian 9 năm từ đây đến đó, nếu ta không tự cung cấp hạt giống, Việt Nam phải mua hạt giống biến đổi gien từ nước ngoài, giá đắt hơn giống bình thường 4 lần. Tương lai của Việt Nam là công ty trở thành người làm công bán hạt giống, nông dân ký hợp đồng mua giống, và đất nước phải chi thêm 80-100 triệu USD để mua hạt giống nước ngoài mỗi năm!
2. Thủy sản và thực phẩm biến đổi gien
Theo như cách phân loại của Mỹ, động vật nào được nuôi bằng thức ăn biến đổi gien cũng được xếp vào nhóm thức ăn biến đổi gien. Thức ăn cho tôm và cá tra đều có chứa nguyên liệu ngô và đậu tương nên hễ thức ăn này làm từ cây biến đổi gien thì cá tôm Việt nam có lẽ cũng được xếp vào nhóm sản phẩm biến đổi gien. Đây là hai mặt hàng xuất khẩu lớn, mang về hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho Việt Nam (Bảng 3). Thị trường EU, Nhật vốn không thích thức ăn biến đổi gien cho nên Việt Nam phải hiểu rõ điều này và phải đảm bảo các thị trường này chấp nhận thức ăn biến đổi gien, tránh việc đáng tiếc xãy ra không đáng có như việc bị EU đã từng đưa cá tra Việt Nam vào sách đỏ.
Phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học vào nông nghiệp là con đường tất yếu, đầy triển vọng với một thị trường thế giới to lớn. Bộ Nông nghiệp Úc cũng đã báo cáo với chính phủ là sẽ mất 1.8 – 7 tỷ đô la nếu không tham gia vào thị trường này. Vì lý do đó mà Úc đã cho phép nghiên cứu và trồng thử cây biến đổi gien. Nhưng cũng chỉ bó gọn trong 3 loại: cải dầu, bông vải và hoa cẩm chướng. Không có thứ nào trực tiếp làm thức ăn cả. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được công nghệ, thực sự quan tâm đến đặc tính của thị trường xuất khẩu, thì lúc đó mới thực sự giúp nông nghiệp và nông dân ta phát triển một cách bền vững.
Tuy thuốc lá là loại cây đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật ghép gien vào năm 1983, giống cà chua Flavr Savr có tính bảo quản lâu của công ty Calgene (Mỹ) đưa vào thị trường năm 1994 mới là giống biến đổi gien đầu tiên được giới thiệu với thế giới. Sau đó khi công ty Monsanto (Mỹ) giới thiệu hàng loạt các giống cây biến đổi gien chống thuốc diệt cỏ Roundup (Roundup-Ready RR) như giống RR đậu tương, RR bông vải, RR ngô, RR cải dầu, và chống sâu đục thân nhờ gien Bt (Bacillus thuringiensis) như giống Bt ngô, Bt bông vải thì việc trồng cây biến đổi gien bùng nổ, trở thành một nhóm cây được phát triển nhanh nhất trong lịch sử nông nghiệp thế giới. Chỉ trong vòng 15 năm từ 1995 đến 2010, diện tích canh tác các loại cây nông nghiệp biến đổi gien đã tăng vọt từ 1,6 triệu ha lên 148 triệu ha trên 29 nước (The Economist, 2011).