Nguồn gen vi sinh vật

Trang chủ

Hải Phòng: Bỏ ngỏ thị trường rau hữu cơ

29-08-2019 Lượt xem: 179

 Vấn đề tồn dư thuốc BVTV và hóa chất trong rau đang là mối lo chung của toàn xã hội. Có một cách giải “bài toán” này là SX rau hữu cơ.

 

Mô hình SX rau hữu cơ tại Hải Phòng


Theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp TP Hải Phòng, số người có điều kiện và nhu cầu sử dụng rau hữu cơ tại thành phố rất lớn, khoảng 90.000 người, tương đương lượng rau hữu cơ tiêu thụ mỗi ngày từ 27-35 tấn. Song thị trường này ở đất Cảng vẫn đang bỏ ngỏ.

Theo TS Trần Nam Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu phát triển sinh - nông (ĐH Hải Phòng), phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo sản phẩm chất lượng an toàn mà còn đảm bảo cân bằng sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường và các hệ lụy do sử dụng nhiều hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu với giá cao đồng thời cung cấp cho thị trường nội địa là cơ hội lớn cho nông nghiệp Hải Phòng.

Trong nhiều năm qua, SX rau hữu cơ tại Hải Phòng vẫn chỉ mang tính thử nghiệm. Ngành nông nghiệp chưa có quyết định SX cụ thể cho một đối tượng cây trồng hữu cơ nào. Sản phẩm rau hữu cơ tiêu thụ tại Hải Phòng chủ yếu từ các tỉnh, thành khác như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Lâm Đồng…

Số lượng cung cấp cũng rất nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trong các siêu thị với chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thành phố.

Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị sinh thái, thời gian gần đây, Hải Phòng đã triển khai mô hình SX rau hữu cơ tại các huyện An Dương, An Lão và Tiên Lãng. Mô hình do Trung tâm KN-KN Hải Phòng tổ chức thực hiện, đã thu hút 120 hộ tham gia với tổng diện tích 12 ha trồng rau cải ngọt và dưa chuột.

Đây là hai loại rau chủ lực ở Hải Phòng, SX gần như quanh năm. Song song với mô hình rau hữu cơ, nhóm thực hiện còn triển khai một mô hình đối chứng, SX theo phương thức thông thường, có sử dụng phân bón hóa học.

Với cải ngọt, năng suất thu được từ 19-21 tấn/ha trong vụ đông và 16-17,6 tấn/ha vụ xuân hè. Hương vị và độ ngọt đều vượt trội so với rau trồng theo phương thức thông thường. Đặc biệt là rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, rau cải ngọt bón phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho năng suất thấp hơn một chút so với rau trồng theo phương pháp thông thường.

Với dưa chuột, do không sử dụng phân bón hóa học nên ban đầu lá không xanh đậm, kích thước lá không lớn bằng, nhưng vào giai đoạn cuối, dưa chuột giữ được bộ lá xanh bền, dây không bị rạc sớm, nên thời gian thu hoạch ở cả hai thời vụ đều dài hơn đối chứng.

Số hoa đực tương đối nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho thụ phấn, tỷ lệ đậu quả cao hơn. Phương pháp hữu cơ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa kết quả tốt, làm giảm lượng hoa rụng, tăng tỷ lệ đậu quả, năng suất cao hơn.

Đặc biệt, dưa chuột hữu cơ có độ dày thịt quả cao (từ 18-19 mm), thể hiện khả năng tích lũy dinh dưỡng tốt hơn, quả bảo quản được lâu hơn. Quả lại ít hạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Kết quả phân tích chất lượng cho thấy hàm lượng nitrate, đường tổng số, vitamin C… đều cao hơn hẳn so với đối chứng.

Mật độ sâu bệnh trên dưa hữu cơ cũng ít hơn. Ưu điểm rõ rệt nhất là dưa chuột hữu cơ không nhiễm bệnh héo xanh ở cả hai thời vụ do sử dụng phân chuồng ủ và phân bón vi sinh có chứa chủng vi khuẩn kháng bệnh nấm trong đất hiệu quả.

Theo canh tác thông thường, nông dân phun phòng trừ sâu bệnh cho dưa chuột trung bình 5-7 ngày/lần bằng các loại thuốc Rhidomil, Daconil…, trong khi dưa chuột hữu cơ chỉ sử dụng sun phát đồng, TP-zep để phòng trừ, 15-20 ngày/lần. Tuy nhiên, năng suất dưa chuột hữu cơ thấp hơn dưa trồng theo phương pháp thông thường từ 1,3 - 4 tấn/ha.

SX theo phương pháp hữu cơ chi phí cao hơn do sử dụng các loại phân bón có giá cao hơn. Bù lại, rau hữu cơ bán được giá hơn. Anh Nguyễn Văn Minh (xã An Thọ, huyện An Lão), một hộ tham gia mô hình cho biết, anh bán dưa chuột thường với giá 6.000 đồng/kg và dưa chuột hữu cơ giá 10.000 đồng/kg và được người tiêu dùng chấp nhận.

Anh Minh tính toán, chi phí bỏ ra trong canh tác hữu cơ cao hơn do phải thực hiện các hoạt động mang tính chất thủ công, rồi chi phí cho việc thu gom, ủ, bảo quản phân bón… Tuy nhiên, phần chi phí này trong tổng thể lãi thuần là rất nhỏ.

Chủ trương dần khắc phục những khó khăn trên, bà Trần Thị Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hải Phòng) cho rằng, với lợi ích nhiều mặt về sức khỏe, môi trường, hiệu quả kinh tế… của rau hữu cơ, Hải Phòng có thể nhân rộng mô hình SX hữu cơ trên các vùng chuyên canh rau và các vùng trong quy hoạch SX rau an toàn của thành phố.


Tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng như Big C, Coop mart, Minh Khai…, giá bán rau hữu cơ cao hơn rau thông thường từ 30 - 50%. Sản phẩm hữu cơ của mô hình cũng được các doanh nghiệp, trường học… đặt hàng tiêu thụ hết.

Theo bà Trịnh Thị Kim Anh, Phó GĐ Trung tâm KN-KN Hải Phòng, năng suất sản phẩm hữu cơ trong mô hình này chưa cao hơn canh tác truyền thống. Mẫu mã sản phẩm xấu hơn (màu lá rau cải, vỏ dưa chuột vàng hơn so với rau, dưa bón phân hóa học).

Đặc biệt khâu sơ chế chủ yếu làm thủ công, chưa có nhà sơ chế, nhà kho để lưu giữ sản phẩm đảm bảo, chưa có nhà lạnh, kho lạnh bảo quản sản phẩm đạt yêu cầu. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, xuất bán ngay trong ngày.

Bà Trịnh Thị Kim Anh nhận định, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa được Hải Phòng chú trọng, đặc biệt là khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Theo bà, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc hiện nay, người nông dân chưa mặn mà với việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh trong canh tác cũng như những biện pháp sinh học bảo vệ mùa màng và dùng thảo dược phòng trừ sâu bệnh. Do trình độ còn hạn chế, quen với tập quán canh tác truyền thống, họ cũng chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc giữ môi trường trong lành và bảo vệ sức khỏe.

Mặt khác, trên thị trường, nông dân dễ dàng tìm mua các chế phẩm hóa học. Còn các biện pháp hữu cơ truyền thống thường mang lại hiệu quả chậm hơn so với việc dùng chế phẩm hóa học, nhiều khi lại phải bỏ ra chi phí và công chăm sóc nhiều hơn so với canh tác thông thường.

Hân Minh/ nongnghiep.vn