Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, với mong muốn "trụ đỡ" của nền kinh tế phát triển toàn diện cho năng suất, chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhưng thực tế việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với "đồng tiền bát gạo".
Lượng nhiều
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) của Bộ gồm 11 viện chuyên đề và viện vùng; bốn viện quy hoạch và 39 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ, với một đội ngũ cán bộ KH&CN đông đảo gần 11 nghìn người thuộc tất cả các lĩnh vực từ giảng dạy, nghiên cứu đến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Trong đó số cán bộ làm việc trong các viện chuyên đề và viện vùng là gần 8.000 người, gồm 67 giáo sư và phó giáo sư, 426 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 1.268 thạc sĩ, hơn 3.800 người có trình độ đại học và cao đẳng, còn lại là trung cấp và công nhân kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm... Gần 60% số cán bộ nói trên (khoảng 4.860 người) được hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp KH&CN của Nhà nước. Ngoài các tổ chức nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, còn có một lượng lớn nhân lực nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN thuộc các bộ, ngành khác và các trung tâm, trạm, trại nghiên cứu, thực hành thuộc các tỉnh, thành phố; các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp thuộc các hội, hiệp hội và hơn 36 nghìn người thuộc hệ thống khuyến nông cũng tham gia công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 22% số cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Bên cạnh nguồn nhân lực dồi dào, việc đầu tư cho công tác KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm, với nguồn đầu tư ngày càng đa dạng. Chỉ tính riêng năm năm 2008-2013, tổng kinh phí Nhà nước đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý là 2.143 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp KH&CN cấp cho Bộ NN&PTNT là 2.350 tỷ đồng, chiếm 13% tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN của cả nước. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho đầu tư phát triển xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ các cơ sở nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT cũng gần 787 tỷ đồng và đầu tư cho công tác khuyến nông là 1.275 tỷ đồng. Ngoài ra các địa phương cũng chi khoảng 500 đến 600 tỷ đồng/năm cho lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 35% tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN.
Chất ít
Mặc dù Nhà nước đã quan tâm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và hoạt động khuyến nông, với mức tăng trung bình 11 đến 12%/năm. Bản thân Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN từ 23 viện năm 2005, xuống còn 11 viện năm 2013 và được bố trí theo vùng sinh thái, để có thể hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về từng lĩnh vực thay vì chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như trước đây.
Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: trong giai đoạn 2008 - 2013, tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nông - lâm - thủy sản chỉ đạt khoảng 3% (theo giá cố định năm 2010) so với 3,98% giai đoạn 2004-2008 (theo giá cố định năm 1994). Sản xuất nông nghiệp chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp. Sản xuất và xuất khẩu gạo tăng mạnh nhưng giá trị đạt thấp, giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 464 USD/tấn. An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Tỷ lệ rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép từ 4 đến 6%, cao hơn mức 2% của các nước tiên tiến. Ngành chăn nuôi luôn bị đe dọa bởi hàng hóa nhập khẩu, do nhiều loại sản phẩm trong nước có giá thành cao, chất lượng thua kém; hằng năm phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn xảy ra thường xuyên, có lúc lan ra diện rộng gây thiệt hại lớn, như dịch trên tôm năm 2011-2012, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc...
Hoạt động khuyến nông mặc dù đã tăng mạnh về lượng, từ 32 nghìn người năm 2008 lên hơn 36 nghìn người năm 2013 và hoạt động rộng khắp từ trung ương xuống tận thôn, xã, mỗi năm tiêu tốn bình quân hơn 210 tỷ đồng, nhưng thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu KH&CN với chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn. Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" được 43 tỉnh trong cả nước hưởng ứng, nhưng dường như vẫn chỉ dừng lại ở "mô hình" với tổng diện tích thực hiện khoảng 100 nghìn ha trồng lúa. Cho nên việc áp dụng mô hình cánh đồng lớn sang các loại hình, khu vực sản xuất khác còn chậm là điều dễ hiểu. Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chậm chuyển biến, chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững, gắn theo chuỗi giá trị. Thiết bị và công nghệ chế biến sau thu hoạch còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn chưa phát triển, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt thất thoát cao. Phần lớn vật tư, thiết bị nông nghiệp dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó hơn 90% số máy kéo bốn bánh và máy công tác kèm theo, máy gặt đập liên hợp phải nhập khẩu...
Ðổi mới nghiên cứu, ứng dụng KH&CN
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, ở đây có nguyên nhân đội ngũ khoa học nông nghiệp tuy đông nhưng không mạnh. Cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả cao chiếm tỷ lệ thấp, còn thiếu cán bộ đầu đàn giỏi; nhiều lĩnh vực KH&CN như công nghệ sinh học thiếu nhân lực trình độ cao nên chậm được triển khai; điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo còn lạc hậu, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng đào tạo nhân lực cho KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa gắn lý thuyết với thực hành, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đơn vị sản phẩm. Nhiệm vụ KH&CN nhiều nhưng cơ cấu nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu sự gắn kết trong khâu xác định nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai thực hiện. Phần lớn các nghiên cứu tập trung vào khâu dễ làm như giống, quy trình canh tác, trong khi nghiên cứu về chế biến sâu, gia tăng giá trị của sản phẩm còn chưa được chú trọng đúng mức...
Ðể tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng KH&CN, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp nhằm đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Vấn đề đặt ra là ngành nông nghiệp cần tạo động lực trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN đối với cán bộ KH&CN bằng trang bị cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ thỏa đáng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN, khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, giảm tổn thất sau thu hoạch; từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững.
Theo Kiều Linh
nhandan.com.vn