Tin Tức

Trang chủ

Những đề tài nghiên cứu sức khỏe của đất ngày càng hiếm, có năm không có đề tài nào

03-07-2024 Lượt xem: 664

Ngày 14/6, Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt tổ chức Hội nghị hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất và trồng trọt bền vững.

Sức khỏe của đất trong những năm qua chưa được quan tâm

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong nhiều năm qua, công tác quản lý sức khỏe của đất phục vụ trồng trọt chưa được quan tâm đúng mức cả ở Trung ương và địa phương.

Những năm qua, có rất ít đề tài nghiên cứu về sức khỏe của đất. Ảnh: Quang Sung

 

Các nội dung về đánh giá mức độ ô nhiễm, thoái hóa đất, phân hạng đất đai… mới chỉ được các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đất đai; chưa phản ánh được thực trạng sức khỏe đất nói chung, hay chất lượng đất nói riêng phục vụ mục tiêu canh tác bền vững hay chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Tại Việt Nam hiện nay, các số liệu nghiên cứu cho thấy, hiện tượng suy thoái đất đai đang diễn ra trên tất cả các vùng của đất nước, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp.

Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Miền Trung cũng là khu vực có nhiều đất đai có hiện tượng thoái hóa, trên tiến trình trở thành hoang mạc cằn cỗi.

Đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nghiêm trọng là do tác động rất lớn của các yếu tố chủ quan về tập quán canh tác, như trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ, ít sử dụng phân hữu cơ làm đất bị bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt nguyên tố trung, vi lượng, chất hữu cơ...

Theo PGS.TS. Trần Minh Tiến - Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Việt Nam có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha. Trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha, bình quân trong khu vực là 0,36ha.

70% diện tích đất của nước ta nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Công bố kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy, cả nước có 11.838.000ha đất bị thoái hóa, trong đó đất bị thoái hóa nặng là 1.207.000ha, thoái hóa trung bình 3.787.000ha và thoái hóa nhẹ có 6.844.000ha.

Đất sản xuất nông nghiệp có 114.000ha đất bị thoái hóa nặng, 1.655.000ha đất thoái hóa trung bình và 3.308.000ha đất bị thoái hóa nhẹ. Thoái hóa đất do suy giảm độ phì nặng là 1.526.000ha đất (vùng trung du và miền núi phía Bắc với 450.000ha, vùng Đông Nam bộ 382.000ha); diện tích đất bị suy giảm độ phì ở mức trung bình có 4.409.000ha và diện tích đất bị suy giảm độ phì nhẹ có 7.482.000ha.

Các nguyên nhân gây nên thoái hóa đất gồm: 1) Đất bị suy giảm độ phì; 2) Đất bị xói mòn; 3) Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; 4) Đất bị kết vón, đá ong hóa; 5) Đất bị mặn hóa và 6) Đất bị phèn hóa.

Đất nông nghiệp ở nước ta bị thoái hóa do quá trình canh tác, cộng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Quang Sung

 

Đối với sinh học đất và độ phì sinh học đất, các hoạt động thâm canh và siêu thâm canh trong giai đoạn vừa qua ít nhiều đã và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đất. Trong khi đó, các nghiên cứu về sinh học đất từ trước đến này khá rời rạc, tập trung chủ yếu vào các điểm riêng lẻ mà không mang tính hệ thống. Những nghiên cứu đa số mang tính chất phát hiện sơ bộ thay vì so sánh, nghiên cứu không gắn với liên ngành.

Việc áp dụng các kỹ thuật mới trên thế giới trong nghiên cứu sinh học đất chậm được triển khai; thiếu các dữ liệu qua từng giai đoạn như hóa học đất hay vật lý đất chính là rào cản lớn cho việc đánh giá sức khỏe đất hiện nay.

Đề tài nghiên cứu về sức khỏe đất ngày càng hiếm

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung, đất là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ, duy trì và nâng cao chất lượng của đất trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Sung

 

 

“Trong gần 10 năm trở lại đây, những đề tài nghiên cứu về sức khỏe đất giảm, có năm không có đề tài nào, sự quan tâm của chúng ta còn hạn chế”, ông Trung cho biết.

Do đó, qua hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT mong muốn kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đối với “sức khỏe” của đất.

“Chúng ta bàn nhiều, đưa ra được giải pháp. Nhưng phải làm sao để giải pháp được triển khai trong thực tế, đưa được đến tay người nông dân, khi đó chúng ta mới thành công”, Thứ trưởng Trung phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo trong thời gian tới, cần tiếp tục đánh giá quy trình canh tác để phù hợp với từng loại đất khác nhau; tiếp tục cải tiến để thích nghi với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, cần tập trung hơn nữa cho các vấn đề nghiên cứu, làm một cách đồng bộ và đưa ra áp dụng ngoài thực tế.

Thoái hóa đất nông nghiệp đang gây ra nhiều thách thức cho các vùng trồng lúa nước ta, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Ảnh: Quang Sung

Cục Trồng trọt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác phù hợp với những loại đất. Đồng thời, xây dựng quy trình sử dụng vật tư đầu vào; xây dựng kế hoạch truyền thông để nâng cao nhận thức của mọi người về sức khỏe đất. Trung tâm Khuyến nông cần nghiên cứu, tiếp tục ứng dụng và xây dựng những mô hình canh tác nâng cao sức khỏe đất.

“Các địa phương chung tay phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện tốt những nội dung đề ra, góp phần nâng cao chất lượng đất và làm theo từng giai đoạn một cách bài bản và bền vững”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung kỳ vọng.

Nguồn: https://danviet.vn/nhung-de-tai-nghien-cuu-ve-suc-khoe-cua-dat-ngay-cang-hiem-20240614141444096.htm?gidzl=o1N9JfCtgqVD2CfEbo2ZHyy9mqoABgLAW0d45eWXy4xH0iP5YYAa7jC7aHYB9VOGs0B07M9h4L0-aZQhGW