Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Nai kiểm tra một cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh.
Theo định nghĩa tại Khoản 3.7, Điều 3, Thông tư 21/2007/TT-BKHCN, tiêu chuẩn cơ sở được hiểu là những tiêu chuẩn do tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hay cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác công bố để áp dụng vào các hoạt động của tổ chức đó.
Quy định cũng nêu rõ, tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định của pháp luật hiện hành. Tiêu chuẩn cơ sở cần được xây dựng sao cho phù hợp với trình độ tiến bộ khoa học công nghệ và đáp ứng với các yêu cầu quản lý, sản xuất kinh doanh của tổ chức/doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng dựa trên căn cứ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, nhu cầu và khả năng thực tiễn của cơ sở, các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài tương ứng được khuyến khích sử dụng để xây dựng hoặc chấp nhận thành tiêu chuẩn cơ sở.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, về quy định xây dựng, công bố, quản lý tiêu chuẩn cơ sở, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm: Tổ chức kinh tế; Cơ quan nhà nước; Đơn vị sự nghiệp; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Khoản 1 Điều 20 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “Tiêu chuẩn cơ sở do người đứng đầu tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này tổ chức xây dựng và công bố để áp dụng trong các hoạt động của cơ sở”.
Về bản chất hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước thể hiện tính quyền lực, phục vụ công ích, áp dụng trên phạm vi rộng, phù hợp với việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hơn.
Theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ: Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định hoạt động thẻ ngân hàng phải thực hiện tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa tại Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 về công bố 10 tiêu chuẩn cơ sở. Như vậy, có thể thấy mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố 10 tiêu chuẩn cơ sở, tuy nhiên, lại được viện dẫn đến Thông tư số 19/2016/TT-NHNN là văn bản pháp luật bắt buộc áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động thẻ tại Việt Nam. Do vậy, trái quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn về phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn cơ sở (chỉ áp dụng nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Hiện nay, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở mang tính chất đối phó, không dựa trên căn cứ tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định. Điều này dẫn tới chất lượng nội dung của tiêu chuẩn cơ sở không cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp khi công bố tiêu chuẩn cơ sở chỉ áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có viện dẫn tiêu chuẩn quốc gia, nhưng chỉ áp dụng 1 phần của tiêu chuẩn quốc gia hoặc cố tình né tránh việc quy định các chỉ tiêu chất lượng thiết yếu, đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Mặt khác, theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế quản lý tiêu chuẩn cơ sở rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về tiêu chuẩn cơ sở; bất cập trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới tiêu chuẩn cơ sở.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Dự thảo Luật (sửa đổi) tập trung giải quyết bất cập, khó khăn trong công tác xây dựng, công bố, quản lý tiêu chuẩn cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tiêu chuẩn cơ sở.
Bên cạnh đó, quy định về thẩm quyền xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với phạm vi, mục đích xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, quy định hoạt động thông báo tiêu chuẩn cơ sở tới cơ quan nhà nước để thực hiện việc theo dõi, quản lý.
Nguồn: https://congthuong.vn/mot-so-to-chuc-doanh-nghiep-xay-dung-tieu-chuan-co-so-de-doi-pho-khong-dua-tren-khoa-hoc-338425.html