Sức khỏe đất nông nghiệp tại nhiều nơi ở nước ta đang bị thoái hóa theo nhiều mức độ.
Đất khỏe thì người mới khỏe
PGS.TS Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho biết, nói về sức khoẻ đất, công tác tuyên truyền rất quan trọng để mọi người hiểu được nó là gì.
Từ thập niên 60 chúng ta làm chủ yếu là bản đồ thổ nhưỡng, trong đó xác định các chỉ tiêu về lý tính, hóa tính rồi thêm vi sinh vật trong đất nữa nhưng rất ít. Đất khỏe thì nông sản được an toàn và con người được khỏe mạnh, không chỉ thế hệ này mà còn những thế hệ sau. Nhưng tiêu chí thế nào để đánh giá được sức khỏe đất thì chúng ta chưa có, hoặc còn phiến diện.
Muốn biết sức khỏe đất phải xây dựng được cơ sở dữ liệu, tiến tới quản lý dinh dưỡng cây trồng và từ đó xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nông nghiệp do ai làm ra, quy trình sản xuất có an toàn hay không. Những thứ này chúng ta vẫn chưa làm được và bây giờ đang tích cực xây dựng.
Chương trình của Bộ NN-PTNT về sức khỏe đất hơi muộn nhưng cũng là tốt bởi vì có chiến lược dài hạn nghiên cứu về sức khỏe đất và đã bắt đầu chú trọng đến nó. Không một quốc gia phát triển nào lại để đất thoái hóa mà chủ yếu là các nước nghèo, để thoái hóa trên quy mô lớn.
Ở nước ta, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê gần đây thì có tới 33% đất nông nghiệp thoái hóa nhẹ, thoái hóa trung bình và thoái hóa nặng mà chủ yếu là thoái hóa nhẹ và thoái hóa trung bình.
Nội dung thứ nhất trong chương trình về sức khoẻ đất là xác định được bản đồ các nhóm đất chính, các loại đất chính thống nhất trên toàn quốc. Thứ hai là xác định được các tiêu chí trên từng loại đất chính, với từng cây trồng chính, từ đó thiết lập thang đo của sức khoẻ đất.
Khi có tiêu chí, chúng ta mới biết được đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đất lúa ở đồng bằng sông Hồng vùng nào là tốt và vùng nào cần phải bồi dưỡng về lý tính, hóa tính, vi sinh vật. Đất thoái hóa thì hàm lượng chất hữu cơ ít và các chất dinh dưỡng có lợi cho cây trồng ít, hệ sinh vật có lợi cho cây yếu đi thì tự nhiên loại có hại phát triển, làm cây nhiễm nấm, bệnh…
Trong công cuộc đổi mới của chúng ta, một trong những đổi mới thành công nhất là nông nghiệp. Việt Nam hiện có khoảng 11,8 triệu ha đất canh tác mà dân số có 100 triệu người. Như vậy có 1.100m2 đất canh tác/người mà nước ta sản xuất không chỉ đảm bảo an ninh lương thực lại xuất khẩu nhiều, năm nay có thể vượt 60 tỷ đô la là thành tựu tuyệt vời khiến thế giới phải nể phục bởi những nước có bình quân đất canh tác thấp không thể làm được thế. Nông dân Việt Nam cần cù và sáng tạo, chính sách của chúng ta trong 20 - 30 năm qua đúng, là động lực phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên song hành với việc nông nghiệp gia tăng năng suất, sản lượng như thế thì cũng bóc lột đi nhiều thứ từ đất, gây thoái hóa đất mà nguyên nhân sâu xa nhất là bón quá ít chất hữu cơ, không như trước đây, thời kì HTX mỗi 1ha có thể bón tới 10 -15 tấn phân hữu cơ. Bởi tác dụng của phân hóa học rõ và nhanh nên nông dân thích, thứ nữa là điều kiện sản xuất phân hữu cơ hiện khó, giá thành, giá nhân công cao.
Một khi dùng phân hữu cơ ít đi thì sức khoẻ đất kém đi ở ba yếu tố, một là lý tính, cấu trúc của đất khi mà thiếu chất hữu cơ thì không bền vững, rất dễ bị phá hủy. Thứ hai là về hóa tính thì pH của đất giảm đi, chua đi nên cây trồng kém phát triển hơn, khả năng giữ dinh dưỡng của đất kém, dễ bị rửa trôi. Thứ ba là về sinh học đất, khi chất hữu cơ ít đi thì những hệ thống vi khuẩn, rồi những vi nấm có lợi cho cây trồng, có lợi cho đất kém đi và ngược lại các loại có hại lại phát triển mạnh, gây mất cân bằng, gây bệnh nhiều hơn cho cây trồng.
Ví dụ hiện nay tái canh cà phê mấy năm đầu thì rất xanh tốt nhưng sau đó cây vàng lá, bộ rễ bị phá hủy, chủ yếu do tuyến trùng. Hiện đã có những tiêu chí rất rõ ràng như bao nhiêu con tuyến trùng trên 100 gram đất thì không được tái canh cà phê. Đánh giá sức khỏe đất cũng cần những tiêu chí như vậy.
Cần đưa sức khỏe đất thành chương trình mục tiêu quốc gia
Hội Khoa học đất có thể chủ trì công tác phân loại đất sử dụng trên phạm vi toàn quốc, đấy là cái cơ bản để sau này đánh giá sức khoẻ đất. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cũng rất cần thiết nhưng theo ông Dũng nên giao cho các viện, ví dụ như viện Nông hóa Thổ nhưỡng đang kết hợp với IRRI làm ở 6 tỉnh xác định bộ tiêu chí cho đất lúa.
“Tiêu chí phải qua các khảo sát thực tế, tôi cho rằng từ trước đến nay nông dân bón phân theo khuyến cáo của các công ty sản xuất phân. Các tiêu chí này sẽ thay đổi theo vùng, theo loại đất, theo giống.
Khi xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất và kết hợp số hóa bản đồ địa chính thì nông dân có thể khai thác những thông tin để bố trí quy trình sản xuất, giảm lượng phân bón để vừa giảm chi phí vừa tăng hiệu quả. Một số nhà khoa học rất tâm huyết với sức khỏe đất nhưng bây giờ cần phải có những đầu tư, chính sách để hiểu rõ về đất của Việt Nam đang như thế nào để chăm chút cho nó, cũng là chăm chút cho thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày và sức khoẻ của chính chúng ta”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cho rằng nếu chương trình sức khoẻ đất trở thành chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất tốt bởi đây phải là việc làm lâu dài chứ không phải chỉ làm một hai năm. Những nước tiên tiến đã làm việc đó hàng trăm năm nay rồi mới được sức khỏe đất như hiện nay. Việt Nam nếu có một chiến lược nhất quán từ trên xuống dưới, từ chính sách đến đầu tư thì hoàn toàn có thể làm được.
“Tôi nghĩ rằng xây khu công nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long thì phải lấy đất nông nghiệp thôi, chẳng có cách gì khác. Thế nhưng lấy như thế nào, quy hoạch như thế nào và thực hiện quy hoạch như nào phải có chiến lược. Hiện nay thì quy hoạch đất quốc gia, quy hoạch đất cấp tỉnh đã duyệt rồi thì phải kiểm tra, giám sát việc lấy đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa.
Về đất nghĩa trang thì hiện nay ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề rất lớn liên quan đến tâm linh nên chúng ta chưa thể làm ngay được. Thế nhưng nếu cứ tiếp tục như thế này nguy cơ mất đất nông nghiệp, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng trong 20 năm tới có thể mất một huyện đất nông nghiệp. Làm thế nào để giải quyết? Thứ nhất là phải tuyên truyền vận động. Thứ hai là cán bộ phải gương mẫu. Làm nông nghiệp hữu cơ mà chỉ cần 1 - 2 cái mộ trên đồng là không được công nhận ngay”, ông Dũng nêu quan điểm.